Hà Nội điều chỉnh giá nước sạch: Mức tăng giá và lộ trình hợp lý

Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN về phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh, đây là phương án đã được tính toán khá kỹ, xử lý các vấn đề đặt ra thận trọng, xuất phát từ thực tiễn và các quy định của pháp luật.

Điều chỉnh giá nước nhằm nâng cao năng lực cấp nước. Ảnh: TL

Điều chỉnh giá nước nhằm nâng cao năng lực cấp nước. Ảnh: TL

PV: Dự kiến từ ngày 1/7, TP. Hà Nội thực hiện phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn. Ông bình luận gì về việc tăng giá nước của thành phố lần này?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa

Ông Nguyễn Tiến Thỏa

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi là người đã được tiếp xúc, nghiên cứu phương án điều chỉnh giá nước sạch của Hà Nội cách đây từ 1-2 tháng trước. Trong rất nhiều lý do mà Hà Nội đưa ra, lý do quan trọng nhất, bao trùm nhất là giải quyết sự bất hợp lý của mối quan hệ giữa chi phí sản xuất - kinh doanh nước và giá nước hiện hành khi giá bán đang thấp hơn chi phí, dẫn đến không bù đắp đủ chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch.

Chúng ta đều biết giá nước sạch của Hà Nội được UBND thành phố quy định từ năm 2013. Sau 10 năm áp dụng, các yếu tố chi phí “đầu vào” cấu thành nên mức giá nước sạch đã tăng lên khá lớn. Cụ thể, nếu lấy năm 2022 so với năm 2023, số liệu của tôi tính giá nước tăng còn cao hơn phương án Hà Nội tính. Lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 29,46%; tiền lương tối thiểu vùng 1 từ 2,7 triệu đồng/người tháng lên 4,68 triệu đồng/người tháng, tăng 1,733 lần; giá điện từ 1.508 đồng/KW lên 1.920 đồng/KW, tăng 1,27 lần; chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 45%...

Các chi phí đầu vào tăng lên như vậy đã làm cho giá tiêu thụ nước sạch hiện hành thấp hơn chi phí bỏ ra, đẩy giá nước trở thành giá bao cấp cho các ngành sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng có sử dụng nước sạch, nhưng lại gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước. Hệ quả là không tạo được động lực thúc đẩy ngành nước nâng cao năng lực cấp nước và đảm bảo chất lượng nước, vì không đủ nguồn lực tích lũy tái đầu tư; không khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực cấp nước, đặc biệt là đầu tư vào các vùng sâu, vùng xa, vùng có khó khăn, sức tiêu thụ nước sạch thấp; làm “méo mó” hệ thống giá sản phẩm đầu ra của những ngành sản xuất - kinh doanh, cung ứng dịch vụ có sử dụng nước sạch...

Với những lý do như vậy, tôi cho rằng việc điều chỉnh giá là cần thiết để giúp sản xuất, kinh doanh nước sạch bình thường, khắc phục các hệ quả của việc giá thấp bất hợp lý gây ra.

PV: Phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố sẽ chia theo 2 đợt. Đợt tăng giá nước đầu tiên áp dụng từ 1/7/2023; đợt tăng tiếp từ 1/1/2024. Việc điều chỉnh giá như trên dựa trên căn cứ nào và tính toán, điều chỉnh ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Sau khi xem xét, tôi cho rằng các căn cứ, cơ sở để Hà Nội dựa vào xây dựng phương án giá là phù hợp. Trước tiên, căn cứ vào thực trạng bất hợp lý của giá nước hiện hành cần được xử lý, khi chi phí sản xuất - kinh doanh nước sạch tăng một cách khách quan, nhưng giá nước sạch lại giữ ổn định, không thay đổi 10 năm qua làm cho chi phí sản xuất cao hơn giá bán như phân tích trên.

Phương án điều chỉnh giá nước

Theo Sở Tài chính Hà Nội, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10 - 20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800

đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20 - 30 m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 (hộ/tháng).

Bên cạnh đó, xuất phát từ quy định của pháp luật: Nghị định số 117/2007 NĐ-CP ngày 11/7/2007 cho phép: “Giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước”. Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính quy định: “Hàng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh, thành phố xem xét quyết định điều chỉnh".

Qua nghiên cứu phương án giá của Hà Nội, chúng tôi thấy phương án đã thực hiện tính toán về nguyên tắc, phương pháp xác định giá, thẩm quyền quyết định giá theo đúng quy định tại Thông tư 44 của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sinh hoạt.

Đáng chú ý, việc sắp xếp bảng giá có thể hiện chính sách an sinh xã hội thông qua cơ chế hỗ trợ giữ ổn định mức giá hiện hành 5.973 đồng/m3 cho hộ tiêu dùng 10m3 nước sạch đầu tiên vì có cơ chế hỗ trợ khác đối với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là một chủ trương đáng ghi nhận.

Với phương án chia lộ trình điều chỉnh giá ra 2 năm, tôi cho là hợp lý, bởi nếu điều chỉnh dồn vào một lần (1/7/2023) theo mức độ tăng của chi phí đầu vào như đã phân tích trên sẽ tạo ra sự “giật cục’’, có thể gây sốc, bất lợi đến sản xuất, đời sống.

Như vậy, trên cơ sở đánh giá đúng thực tiễn sản xuất - kinh doanh, cung cấp, đầu tư, diễn biến của chi phí sản xuất nước sạch về giá bán hiện hành; phương án điều chỉnh giá đã được tính toán khá kỹ, xử lý các vấn đề đặt ra thận trọng, có cách nhìn tổng thể, xuất phát từ thực tiễn và các quy định của pháp luật. Đây là phương án điều chỉnh giá chấp nhận được.

PV: Thông tin Hà Nội chuẩn bị tăng giá nước sạch sinh hoạt từ ngày 1/7 hiện đang thu hút sự chú ý dư luận. Theo ông, thành phố cần làm gì để tạo sự đồng thuận cao của công luận và người tiêu dùng nước sạch trong bối cảnh hiện nay?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Để tạo đồng thuận, tôi đề nghị các ngành có liên quan của Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích rõ chủ trương và mục tiêu, tác động của việc điều chỉnh giá để tạo được sự chia sẻ, đồng thuận trong xã hội.

Thành phố phải cam kết và triển khai tốt các giải pháp đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân. Đó là điều chỉnh giá nhưng phải cung ứng nước sạch đáp ứng liên tục, đủ nhu cầu, chất lượng nước phải bảo đảm đúng quy chuẩn. Bên cạnh đó phải làm thật tốt chính sách phục vụ khách hàng, chống gian lận trong đo đếm lượng nước và tính tiền nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mức tăng giá nước không tác động nhiều đến đời sống của người dân

Theo đánh giá của Sở Tài chính Hà Nội, mức tăng giá nước được thực hiện theo lộ trình, cơ bản không tác động nhiều thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Đối với hộ gia đình: Theo nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành (10-16 m3/hộ/tháng), thì số tiền phải chi thêm: 15.000 - 26.000 đồng/tháng; ở khu vực nông thôn (6-8 m3/hộ/tháng), thì số tiền phải chi thêm 10.000 - 13.000 đồng/tháng.

Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong 1 tháng chỉ chiếm 0,72%. (Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố, số nhân khẩu bình quân một hộ khu vực thành thị là 3,5 người, khu vực nông thôn là 3,7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng/người, một gia đình là 22,4 triệu đồng/hộ). Do vậy, với phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.

Cũng theo tính toán của liên ngành, phương án điều chỉnh giá nước nếu tính đến tác động đến chỉ số giá tiêu dùng chung của thành phố là 1,48%.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-dieu-chinh-gia-nuoc-sach-muc-tang-gia-va-lo-trinh-hop-ly-131025.html