Hà Nội: doanh nghiệp sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) Hà Nội đã nhận thức được rõ việc chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển DN trong thế giới kỷ nguyên số.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, mang lại hiệu quả cao, nghệ nhân Tạ Thu Hương - Chủ cơ sở sản xuất nón lá làng Chuông (xã phương Trung, huyện Thanh Oai) cho biết, ngoài quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, cơ sở đã ứng dụng công nghệ vào bán hàng.
Theo đó, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã thông qua mạng internet, mạng xã hội như zalo, facebook để cập nhật hình ảnh, mẫu sản phẩm mới.. với khách hàng, kết hợp giao hàng tận nơi. "Nhờ đó, giá thành sản phẩm giảm, mang lại lợi ích cho cả người mua và cơ sở sản xuất" - nghệ nhân Tạ Thu Hương cho hay.
Theo các chuyên gia, từ thực tiễn cho thấy, ngoài các hộ kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số ở Hà Nội cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các start up, các DN công nghệ. Các doanh nhân trẻ có thể tận dụng các nền tảng trực tuyến để tiếp cận vốn đầu tư, tìm kiếm đối tác và xây dựng mạng lưới kinh doanh.
Tuy nhiên, để tận dụng những cơ hội trong chuyển đổi số, các doanh nhân trẻ cần bảo đảm rằng họ có kiến thức và kỹ năng phù hợp. Việc đào tạo và học tiếp liên quan đến công nghệ và kỹ năng kỹ thuật sẽ trở nên cực kỳ quan trọng…
Bên cạnh đó, đa số các doanh nhân trẻ, DN nhỏ có nguồn vốn hạn chế và không dễ dàng tiếp cận các nguồn tài trợ để triển khai chuyển đổi số. Đồng thời, cũng phải đối mặt với chi phí đào tạo nhân viên, mua sắm các thiết bị và phần mềm mới…
Nhằm giúp cho các DN trên địa bàn phát triển mạnh cũng như tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Hà Nội đã có chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, phát triển kinh tế số quốc gia nhanh và bền vững.
Theo đó, TP Hà Nội đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% DN nhỏ và vừa trên địa bàn DN Hà Nội được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Khoảng 90.000 DN nhỏ và vừa mới thành lập được nhận hỗ trợ sử dụng các tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo kiến thức về chuyển đổi số. Hỗ trợ tư vấn cung cấp các nền tảng chuyển đổi số trong DN. Hỗ trợ kinh phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số…
Đến năm 2025, TP Hà Nội hỗ trợ xây dựng, hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số để hỗ trợ toàn diện, sâu rộng cho các DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số…
Theo các chuyên gia, để phát triển kinh tế số, Hà Nội cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và vận hành và quản lý dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, nhà ở, bảo hiểm, y tế, giáo dục, DN...
Hà Nội cũng cần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ. Ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế. Phát triển một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, để nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.
Có thể thấy, chuyển đổi số đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến các DN nhỏ và vừa trên khắp thế giới và trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi. Để trở thành một DN số và để tận dụng được những cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các DN Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần không ngừng thay đổi và sáng tạo, sẵn sàng hành động và đổi mới, tự chủ xây dựng chiến lược chuyển đổi số.