Hà Nội đốc thúc gỡ vướng khu đất 'Cao Xà Lá'; Bình Dương có bảng giá đất mới, cao nhất hơn 52 triệu đồng/m2

Hà Nội điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại huyện Gia Lâm; TP.HCM có 17 dự án bất động sản được chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2024; Bình Dương có bảng giá đất mới, cao nhất hơn 52 triệu đồng/m2.

Sau đây là tổng hợp các thông tin bất động sản nổi bật trong tuần.

Hà Nội đốc thúc gỡ vướng khu đất “Cao Xà Lá”

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của thành phố.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí năm 2025 và các năm tiếp theo tại Hà Nội.

Đáng chú ý, Thành phố đã đề cập tới trường hợp của dự án khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).

Vị trí các nhà máy tại khu đất "Cao Xà Lá". Đồ họa: Thanh Vũ

Vị trí các nhà máy tại khu đất "Cao Xà Lá". Đồ họa: Thanh Vũ

Khu "Cao Xà Lá" là một tên gọi dân dã mà người dân Hà Nội dùng để chỉ khu vực “đất vàng” tại số 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi. Tên gọi này xuất phát từ việc nơi đây từng là địa chỉ của ba nhà máy lớn, bao gồm nhà máy Cao su Sao Vàng, nhà máy Xà phòng Hà Nội, nhà máy Thuốc lá Thăng Long.

Sau khi các nhà máy này được di dời để phục vụ tái quy hoạch đô thị và giảm ô nhiễm, khu đất dự kiến sẽ dùng để xây các khu đô thị mới, với quy mô dân số khoảng 46.000 người. Nơi đây được ví là "khu đất vàng" do nằm cạnh trục giao thông lớn, kế cạnh là khu đô thị Royal City và nhiều trường đại học nổi tiếng.

FLC có thể bị thu hồi 4 lô đất ở quận Nam Từ Liêm

UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6676 về việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 4 ô đất CT1, CT2, LK1.2 và NT thuộc dự án khu chức năng đô thị ĐM1, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm do CTCP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Phối cảnh dự án FLC Premier Parc Đại Mỗ.

Phối cảnh dự án FLC Premier Parc Đại Mỗ.

Quyết định nêu rõ, Tập đoàn FLC có trách nhiệm nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 4 ô đất trên trong thời gian được gia hạn theo quy định. Hết thời hạn được gia hạn mà Tập đoàn FLC vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định.

UBND thành phố yêu cầu Cục Thuế thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), xác định nghĩa vụ tài chính về đất trong thời gian được gia hạn đối với 4 ô đất.

Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Sở TNMT lập hồ sơ trình UBND thành phố thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định của pháp luật.

Vào năm 2017, FLC đã trúng đấu giá quyền sử dụng 6,4 ha đất khu ĐM1 phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm với giá 860 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần giá khởi điểm. Theo quy hoạch, khu đất gồm đất nhà liền kề, đất ở biệt thự song lập, đất ở cao tầng xã hội…

Dự án nhà ở xã hội chậm triển khai bị cảnh báo thu hồi

Tại báo cáo tổng hợp giải quyết kiến nghị cử tri năm 2024 của UBND TP. Hà Nội, cử tri cho rằng dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp có ký hiệu CT5 tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã có thông báo thu hồi đất từ năm 2010, nhưng đến nay không triển khai thực hiện.

Do đó, cử tri đề nghị UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho nhân dân khu vực quy hoạch dự án được thực hiện các quyền lợi sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trả lời vấn đề này, UBND TP. Hà Nội cho biết, dự án nhà ở cho công nhân tại ô đất CT5 khu đô thị mới Kim Chung, xã Kim Chung do Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Tổng Công ty Viglacera - CTCP làm chủ đầu tư, có diện tích sử dụng đất khoảng 14.330m2.

Dự án đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2009 và điều chỉnh chủ trương đầu tư năm 2015. Hiện nay, dự án chưa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và chưa được giao đất và cho thuê đất.

Hà Nội điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại huyện Gia Lâm

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Dốc Hội - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, tại Quyết định số 6591/QĐ-UBND, UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Dốc Hội - Học viện Nông nghiệp Việt Nam với tỷ lệ 1/500, tại ô đất ký hiệu CCKO1.2, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm (trụ sở Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gia Lâm).

Diện tích nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chi tiết là 2.199 m2, với vị trí ranh giới: phía Đông Bắc giáp đường quy hoạch; phía Đông Nam giáp ô đất quy hoạch trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Gia Lâm; phía Tây Nam giáp ô đất quy hoạch trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm; phía Tây Bắc giáp đường Trung Thành hiện có.

Việc điều chỉnh nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị N11 (tỷ lệ 1/5.000) và dự án đầu tư đã được Bộ Tư pháp phê duyệt.

Năm 2024, TP.HCM có 17 dự án bất động sản được chấp thuận chủ trương đầu tư

Thông tin trên được ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nêu tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, do UBND TP.HCM tổ chức sáng ngày 26/12.

Theo ông Trần Hoàng Quân, thị trường bất động sản thành phố đã dần phục hồi, từ mức âm trong năm 2023 đã tăng trưởng dương trở lại từ đầu năm 2024. Tốc độ tăng trưởng còn chậm nhưng đã có tín hiệu tích cực.

Dự án Khu phức hợp Sóng Việt của Quốc Lộc Phát là 1 trong 8 dự án được gỡ vướng dứt điểm. Ảnh: Lê Toàn

Dự án Khu phức hợp Sóng Việt của Quốc Lộc Phát là 1 trong 8 dự án được gỡ vướng dứt điểm. Ảnh: Lê Toàn

Một số dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư và một số dự án cũ được tái khởi động nhờ được tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, tính đến ngày 15/12, thành phố có 17 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, có 8 dự án được UBND TP. Thủ Đức chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi được phân quyền. Ngoài ra, thành phố cũng có 4 dự án nhà ở được cấp phép xây dựng trong năm 2024.

Về kết quả gỡ vướng các dự án bất động sản, hiện thành phố có 34 dự án xem xét đưa ra khỏi diện theo dõi, xử lý và 30 dự án cần tiếp tục theo dõi, xử lý.

Bình Dương có bảng giá đất mới, cao nhất hơn 52 triệu đồng/m2

HĐND tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh bảng giá các loại đất giai đoạn 2020 - 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/12/2025.

Đối với đất ở đô thị, các tuyến đường loại 1 ở vị trí 1 của TP. Thủ Dầu Một như Yersin, Bạch Đằng, Cách Mạng Tháng Tám, Đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13), Đinh Bộ Lĩnh, Đoàn Trần Nghiệp, Hùng Vương, Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Trần Hưng Đạo có giá đất cao nhất là 52,16 triệu đồng/m2, tăng gần 38% so với bảng giá đất cũ.

Còn ở TP. Thuận An, một số đoạn thuộc các tuyến đường loại I (vị trí 1) như Cách Mạng Tháng Tám (ĐT745 cũ), Đỗ Hữu Vị, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Thủ Khoa Huân, Trưng Nữ Vương có giá 28,7 triệu đồng/m2, tăng 49%.

Thị trường bất động sản tỉnh Bình Dương sẽ có nhiều biến động sau khi áp dụng bảng giá đất mới. Ảnh: Báo Đầu tư

Thị trường bất động sản tỉnh Bình Dương sẽ có nhiều biến động sau khi áp dụng bảng giá đất mới. Ảnh: Báo Đầu tư

Khu vực TP. Dĩ An, các tuyến đường loại I (vị trí 1) là Cô Bắc, Cô Giang, Đường GS 01 khu dân cư Quảng Trường Xanh Areco, đường số 9 khu TTHC thành phố Dĩ An, Nguyễn Thái Học, đường số 5 (Cô Giang - Trần Hưng Đạo), đường số 6 (Cô Giang - Trần Hưng Đạo), Trần Hưng Đạo có giá 35,3 triệu đồng/m2, tăng gần 84% so với bảng giá đất cũ.

Với TP. Bến Cát, giá cao nhất thuộc các tuyến đường loại I tại vị trí 1 như Bến xe vào chợ Bến Cát, Lô A, Lô C với mức 22,7 triệu đồng/m2, tăng 72% so với bảng giá đất cũ.

Tại TP. Tân Uyên, giá đất ở cao nhất là gần 21,3 triệu đồng/m2. Đây là những lô đất nằm tại hai trục đường phố chợ mới (Uyên Hưng)...

Thừa Thiên Huế quy hoạch khu du lịch ven biển Lộc Bình rộng gần 330 ha

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình, huyện Phú Lộc.

Dự án được quy hoạch với diện tích gần 330 ha, với các khu dịch vụ, khu quảng trường biển, khu dịch vụ du lịch, cắm trại, cây xanh cảnh quan... Trong đó, diện tích thuộc xã Lộc Bình khoảng 245,10 ha và diện tích thuộc xã Vinh Hiền khoảng 83,33 ha.

Khu vực lập quy hoạch được phân thành 4 phân khu. Phân khu A, khu dịch vụ du lịch kết hợp hoạt động thể thao, du lịch mạo hiểm nằm về phía Tây khu vực lập quy hoạch, tiếp cận với đường đi cầu Tư Hiền và Quốc lộ 49B.

Tiếp đó, phân khu B là khu dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng ven biển và khu dịch vụ du lịch trải nghiệm đầm phá nằm trải dài, tiếp giáp với biển và mặt nước đầm Hải Phú.

Phân khu C tập trung vào khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven núi kết hợp du lịch chăm sóc sức khỏe nằm tại khu vực núi cao phía Đông và phía Nam của khu quy hoạch, giáp với Khu du lịch Laguna.

Cuối cùng, phân khu D tương ứng với khu dịch vụ du lịch gắn với mặt nước đầm Hải tại khu trung tâm của khu vực lập quy hoạch.

Thanh Vũ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/ha-noi-doc-thuc-go-vuong-khu-dat-cao-xa-la-binh-duong-co-bang-gia-dat-moi-cao-nhat-hon-52-trieu-dongm2-d236545.html