Hà Nội đón 15 triệu lượt khách trong 10 tháng, gấp 5 lần cùng kỳ năm 2021
Tổng khách du lịch đến Hà Nội từ đầu năm 2022 đến hết tháng 10/2022 ước đạt 15,38 triệu lượt khách, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Du lịch Hà Nội vượt mục tiêu năm 2022 trước thời hạn
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tổng khách du lịch đến Hà Nội từ đầu năm 2022 đến hết tháng 10/2022 ước đạt 15,38 triệu lượt khách, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt gần 983.000 lượt khách.
Tổng thu từ khách du lịch 10 tháng qua ước đạt 43,69 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, Hà Nội đã vượt mục tiêu đón từ 9 đến 10 triệu khách du lịch trong năm 2022 trước thời hạn. Đối với khách quốc tế, thành phố cơ bản đạt chỉ tiêu.
Chỉ tính riêng trong tháng 10/2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,51 triệu lượt khách, trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 1,3 triệu lượt khách, khách du lịch quốc tế là hơn 212 nghìn lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3,97 nghìn tỷ đồng.
Về cơ sở lưu trú, trong tháng 10/2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn trên địa bàn Hà Nội ước đạt 43,8%, tăng 1% so với tháng trước và tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính tổng 10 tháng của năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 35%, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trên địa bàn Hà Nội có 27 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 9 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường các hoạt động liên kết
Để tiếp tục thu hút khách du lịch, từ nay đến cuối năm 2022 thành phố sẽ triển khai các chương trình, sự kiện du lịch như: Festival Áo dài Hà Nội; cuộc thi tuyển chọn đại sứ du lịch Hà Nội và sáng tác bài hát về du lịch Hà Nội…
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội vẫn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung phát triển những sản phẩm thế mạnh của thành phố như du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện).
Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ chú trọng nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển các sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương như sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu ở Ba Vì, bay dù lượn ở Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiệm khám phá. Xây dụng các sản phẩm du lịch đêm, phối hợp các đơn vị lữ hành, điểm đến và đặc biệt là các điểm di tích, di sản để triển khai các tour du lịch trải nghiệm về đêm cho khách du lịch tham quan, khám phá.
Ngoài ra, tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thị trường trọng điểm khu vực phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên... nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, có tính kết nối cao. Tổ chức các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp, tầm cỡ, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô và hướng đến hội nhập quốc tế…
Trước đó, tại tọa đàm "Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau dịch COVID-19" ngày 24/10/2022, ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: Ngành Du lịch cả nước, đặc biệt là ngành Du lịch Thủ đô đang trên đà phục hồi nhanh sau dịch COVID-19 - đây thực sự là điều rất đáng mừng. Nhưng mục tiêu để Thủ đô có nhiều sản phẩm du lịch đủ sức quảng bá toàn quốc vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế đã đưa ra đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, Hà Nội cần tiếp tục phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực…; đồng thời, sẵn sàng các phương án thay đổi trong quá trình làm du lịch hậu COVID-19 về cả sản phẩm, công tác tiếp thị, quy trình quản lý... Cần chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc.
Đặc biệt, cần thay đổi tư duy trong việc phát triển du lịch kết hợp bảo vệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, không thể không kể đến vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ công tác quảng bá du lịch, điểm đến.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống Kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào tháng 9/2022 đạt 431.909 lượt. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 4,6 triệu lượt khách có nghỉ qua đêm tại các cơ sở lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa 9 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 86,8 triệu lượt khách.