Hà Nội đón giao thừa trong ấm áp, yên vui
Tối 11-2, tức đêm giao thừa Tết Tân Sửu - 2021, tiết trời Hà Nội se lạnh, thuận lợi cho các hoạt động đón Tết, vui xuân. Phố phường Hà Nội khoác lên mình màu sắc tươi mới.
Tối 11-2, tức đêm giao thừa Tết Tân Sửu - 2021, tiết trời Hà Nội se lạnh, thuận lợi cho các hoạt động đón Tết, vui xuân. Phố phường Hà Nội khoác lên mình màu sắc tươi mới.
Những tuyến phố chính như: Tràng Tiền, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Độc Lập, Hùng Vương, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt… rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mừng đất nước, Thủ đô vào xuân.
Khác với mọi năm, trong thời khắc năm cũ sắp qua đi, năm mới đang đến, đường phố vắng vẻ hơn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hà Nội đón năm mới trong trạng thái đặc biệt khi Thủ đô cùng cả nước thực hiện nghiêm các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ngay ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, không khí cũng trầm lắng hơn. Các chương trình nghệ thuật quanh khu vực bờ hồ phải dừng lại. Khoảng từ 21 giờ 30 phút trở đi, lượng người đến hồ Hoàn Kiếm mới đông đúc. Hàng nghìn người đổ đến hồ Hoàn Kiếm để đón năm mới ở không gian thiêng này. Phần lớn người dân đều đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động đón Tết, tuân thủ các hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng.
Hà Nội quyết định hủy tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa tại 29 địa điểm, chỉ thực hiện tại một điểm duy nhất là Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) để truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân. Từ tối 11-2, khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn, tránh tụ tập đông người, phòng chống dịch bệnh lây lan.
Tết Nguyên đán luôn là thời khắc của sự sum họp gia đình. Được tuyên truyền, vận động không nên tập trung đông người nơi công cộng, cho nên sau bữa cơm chiều, các gia đình chuẩn bị cho mâm cỗ cúng giao thừa và cùng nhau xem chương trình truyền hình mừng năm mới. Một không khí đậm chất “Tết xưa” khi gia đình sum vầy trong đêm 30 được tái hiện ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Thay vì cập rập xong sớm công việc để tham gia các hoạt động nơi công cộng, mọi người thong thả trang trí lại nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm cúng.
Chị Nguyễn Thanh Thủy (phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Mọi năm, gia đình tôi thường đến hồ Hoàn Kiếm để xem bắn pháo hoa, đón năm mới. Nhưng năm nay, nhận được khuyến cáo của chính quyền, tôi cùng gia đình đón giao thừa tại nhà. Gia đình tôi ngồi ôn lại những câu chuyện về Tết xưa. Mọi người đều xúc động khi nhớ lại những năm tháng đã qua, nhớ đến Tết của một thời kỳ khó khăn. Nhưng cũng vì thế mà các thành viên trong gia đình cảm thấy ấm áp, gắn bó với nhau hơn”.
Càng gần đến giờ phút giao thừa, trong thời khắc đất trời giao hòa, không khí trở nên thiêng liêng hơn. Mọi người lắng lòng, chờ đợi phút giây đầu tiên của năm mới. Và rồi những loạt pháo hoa đầu tiên bay lên từ đảo Dừa trong công viên Thống Nhất trong vỡ òa niềm vui.
Đêm giao thừa trời trong, những loạt pháo hoa càng trở nên rực rỡ. Những người theo dõi pháo hoa trực tiếp từ những tuyến phố chung quanh công viên Thống Nhất hò reo vui mừng. Thời điểm đón năm mới cũng là khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa thành công tốt đẹp. Năm 2020 khép lại trong khó khăn bởi dịch bệnh, nhưng cũng chứng kiến sức mạnh phi thường - sức mạnh của tinh thần đoàn kết, nỗ lực để làm nên những thành công vượt dự kiến.
Năm Tân Sửu 2021 cũng là năm khởi đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố Hà Nội với những kỳ vọng và sự lạc quan về sức bật mới. Trong không khí phấn khởi, vui tươi khi đón giao thừa, anh Trịnh Khánh Linh (tập thể Kim Liên, quận Đống Đa) bày tỏ: “Mặc dù trước mắt dịch bệnh còn gây ra những khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Chính phủ, với sự đồng lòng của nhân dân, tôi tin tưởng Thủ đô và đất nước sớm vượt qua những thử thách, đạt được nhiều thành tựu trong năm mới”.