Hà Nội: Động đất nhỏ cũng có thể gây hậu quả lớn

Khoảng 20 năm qua, các trận động đất ảnh hưởng đến Hà Nội đều xuất hiện từ xa như Thái Lan, Lào, Trung Quốc hoặc Mộc Châu (Sơn La). Tuy nhiên, ngày 25/3/2024, một trận động đất mạnh 4 độ đã xảy ra tại chính Hà Nội. Chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần thực hiện phân vùng động đất và đánh giá rủi ro bởi động đất nhỏ ở đây cũng có thể gây ra hậu quả lớn.

TS. Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết tính từ 15/12/2023 đến 14/5/2024, trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam ghi nhận 126 trận động đất.

Phần lớn các trận động đất này là động đất kích thích, do thủy điện tích nước gây ra như loạt trận động đất xuất hiện tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum thời gian qua. Ngoài ra, ghi nhận khoảng 10 trận động đất tự nhiên, đáng lưu ý có trận động đất mạnh 4.0 độ tại huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, các trận động đất vừa qua xảy ra tại Ninh Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Nội, Phú Yên. Đây là các khu vực có đới đứt gãy hoạt động. Việt Nam có mấy chục đứt gãy hoạt động, là nguồn phát sinh động đất. Về nguyên tắc, động đất càng lớn thì khả năng lặp lại càng ít, động đất nhỏ dưới 4 độ thì tần suất lặp lại thường xuyên hơn.

"Tại Hà Nội có đới đứt gãy sông Hồng – sông Chảy đi qua. Trong quá khứ, đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất mạnh 5.1-5.6 độ", ông Xuân Anh nói.

Động đất có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực nhà tập thể ở Hà Nội. Ảnh minh họa.

Động đất có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực nhà tập thể ở Hà Nội. Ảnh minh họa.

Khoảng 20 năm qua, hầu hết các trận động đất ảnh hưởng đến Hà Nội đều xuất hiện từ xa như Thái Lan, Lào, Trung Quốc hoặc Mộc Châu (Sơn La). Tuy nhiên, ngày 25/3/2024, một trận động đất mạnh 4 độ đã xảy ra tại chính Hà Nội. Điều này cho thấy động đất vẫn xảy ra ở những đới đứt gãy đang hoạt động.

TS Xuân Anh cho biết, Viện Vật lý địa cầu mong muốn có thể làm lại bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất và thực hiện đánh giá rủi ro động đất. Việc phân vùng nguy hiểm động đất sẽ giúp đánh giá mức độ động đất cực đại có thể xảy ra khi xuất hiện trong khu vực.

Đánh giá rủi ro sẽ góp phần lượng hóa thiệt hại có thể xảy ra nếu động đất xuất hiện, liên quan nhiều đến xây dựng công trình. TS Xuân Anh cho rằng điều này là rất cần thiết, nhất là với các công trình quan trọng của đất nước và các khu vực đông dân cư. Riêng tại nhiều khu dân cư ở Hà Nội, động đất nhỏ cũng có thể xảy ra thiệt hại rất lớn.

Theo vị chuyên gia này, Hà Nội nên lắp đặt hệ thống quan trắc ở một số công trình quan trọng, các khu vực đông dân cư để góp phần định lượng hoạt động động đất, làm cơ sở đánh giá rủi ro động đất gây ra.

Trước đó, vào 8 giờ 05 phút 35 giây (giờ Hà Nội) sáng nay 25/3, một trận động đất có độ lớn 4.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.770 độ vĩ Bắc, 105.720 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 16 km, trên khu vực huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Người dân thủ đô, nhất là những người sống và làm việc ở nhà cao tầng cảm nhận rõ rung chấn từ trận động đất này.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-dong-dat-nho-cung-co-the-gay-hau-qua-lon-post1654379.tpo