Hà Nội: đồng hành cùng người lầm lỡ trên con đường 'trở về'
Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, thời gian qua, TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho học viên sau cai. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể luôn sát cánh cùng gia đình để đồng hành cùng các học viên trong quá trình trị liệu, lao động và dạy nghề, tạo việc làm xây dựng cuộc sống mới, có công ăn việc làm ổn định, nuôi sống được bản thân và gia đình, trở thành những người công dân có ích cho xã hội.
“Tái sinh” cuộc đời sau những tháng ngày lầm lỡ
Gần 6 năm đắm chìm trong “cái chết trắng” với không ít lần cai nghiện thất bại nhưng anh Ngô Huy T (SN 1973, trú tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã làm được điều dường như không thể là thoát khỏi vũng bùn tối tăm và trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Chúng tôi tìm gặp anh Huy T tại tiệm cắt tóc, làm đầu mang tên anh trên phố Nhật Tảo (phường Đông Ngạc). Gặp anh, quan sát những đường kéo điêu luyện của anh, chúng tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi tay nghề của một thợ bậc thầy. Với khuôn mặt hiền hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, ít ai nghĩ rằng anh Huy T từng lầm lỗi, dính vào ma túy. Tranh thủ lúc vắng khách, chúng tôi trò chuyện để hiểu hơn về quá khứ của anh. Bên chén trà ấm, câu chuyện 20 năm về trước của anh hiện dần ra.
Anh kể, hồi năm 2004, vì buồn chuyện gia đình, muốn quên đi buồn rầu, anh “thử” dùng ma túy. “Ban đầu, tôi chỉ thử để quên đi nỗi buồn gia đình, sau đó không dùng nữa, nhưng vài lần sau, mỗi khi buồn chán tôi lại dùng, cứ thế nghiện lúc nào không hay”, anh Huy T tâm sự. Từ khi “dính” vào ma túy, tính cách và mọi sinh hoạt cá nhân cũng đảo lộn.
Đặc biệt là bao nhiêu tiền của anh Huy T làm ra đều dồn hết mua ma túy. Rồi, bất kể điều kiện thời tiết nào anh cũng đi tìm bằng được ma túy để thỏa cơn nghiện. Trước sự khuyên răn của người thân, anh từng tự cai tại gia đình, quyết tâm quên đi “nàng tiên nâu”. Nhưng rồi khi bạn bè rủ rê, lôi kéo, anh lại quay về con đường cũ.
Phải đến năm 2010, cuộc đời anh mới rẽ sang trang mới tốt đẹp hơn. Hai năm tại trung tâm cai nghiện, bằng quyết tâm và nghị lực, anh đã cai nghiện thành công. “Việc cai nghiện thành công đã khó, để giữ không tái nghiện còn khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi ý chí và lập trường vững vàng, kiên định” - anh Huy T chia sẻ. Chính vì vậy, những ngày đầu mới trở về, anh thường xuyên đến thăm anh em, hàng xóm, cùng đó tham gia các hoạt động chung của tổ dân phố, lao đầu vào làm việc để không có thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với kẻ xấu; thêm nữa, anh còn lập kế hoạch phát triển kinh tế gia đình.
Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền phường Đông Ngạc, anh Huy T thuê một thửa đất nhỏ, anh và vợ mở tiệm cắt tóc, làm đầu. Anh làm lại cuộc đời bằng cái nghề đã nuôi sống mình khi chưa dính vào ma túy. Với tay nghề cao, nhiệt tình, cởi mở nên tiệm cắt tóc của anh rất đông khách.
“Thu nhập hàng ngày từ tiệm cắt tóc này không quá cao nhưng cũng giúp vợ chồng tôi có cuộc sống ổn định và nuôi các con ăn học. Tôi luôn tự nhủ phải quyết tâm tránh xa ma túy và tệ nạn xã hội, xứng đáng là tấm gương, là trụ cột trong gia đình” - anh Huy T chia sẻ.
Chúng tôi hỏi anh có ngại khi chia sẻ về quá khứ từng lẫm lỗi của mình, anh Huy T cho biết, anh không ngụy biện và cũng không giấu giếm cho những sai lầm trong quá khứ của mình. Đối diện với quá khứ tăm tối là động lực để anh có thể cố gắng sống tốt từng ngày ở hiện tại. Anh Huy T mong rằng những người từng sa lầy vào ma túy bớt mặc cảm, tự ti, có thêm một cơ hội làm lại cuộc đời.
"Ma túy đưa tôi xuống tận bùn đen. Nhưng nhờ sự nỗ lực cùng người thân và chính quyền địa phương quan tâm giúp tôi có đủ dũng khí để làm lại cuộc đời đầy lầm lỗi. Từ câu chuyện của bản thân, tôi nhận ra mọi việc dù khó đến đâu nhưng không có gì là không thể vượt qua" - anh Huy T chia sẻ.
Từ kinh nghiệm của anh Huy T cho thấy, cắt cơn nghiện ma túy đã khó, nhưng hòa nhập trở lại với xã hội còn khó hơn nhiều lần. Điều đó cần sự quyết tâm ở bản thân người nghiện và sự hỗ trợ từ gia đình, xã hội, chính quyền địa phương. Hạnh phúc dường như luôn mỉm cười với người biết "quay đầu là bờ". Giờ đây, anh Huy T đang sống những tháng ngày hạnh phúc, yên bình bên người vợ tảo tần cùng các con chăm ngon, học giỏi.
Anh Cao Quốc T (SN 1970, phường Vĩnh húc, quận Ba Đình), chia sẻ, năm anh 18 tuổi, thường đến nhà một người bạn thân chơi, thậm chí nhiều ngày ăn ngủ tại nhà bạn. Anh trai của người bạn bị nghiện ma túy, vì muốn thử cảm giác mạnh, anh đã lỡ bước chân vào vũng lầy ma túy. Sau quãng thời gian vất vả cai nghiện, trở về nhà, anh Quốc T không muốn gặp bất cứ ai, cả ngày chỉ muốn ở lỳ trong nhà nghĩ đến chuyện làm sao để biến mất khỏi cuộc sống.
“Bỗng một ngày, tôi thấy một số người bạn cũ trước đây cùng nghiện ma túy giờ lại rạng rỡ, khỏe mạnh, có công ăn việc làm ổn định. Hỏi họ thì được biết là nhờ tham gia CLB B93 tại phường. Tôi cũng thử tham gia, chỉ ngay buổi đầu, thấy những người trong câu lạc bộ đối xử với mình chân tình, quan tâm động viên, tôi đã biết đây chính là nơi mình sẽ làm lại cuộc đời” - anh Quốc T xúc động kể lại.
“Thời điểm đó, động lực để tôi cai nghiện thành công là nhận được sự động viên của gia đình gia đình và sự tận tình của cô Đào Thị Thành (Chủ nhiệm CLB B93 phường Vĩnh Phúc khi đó)” – anh Quốc T chia sẻ.
Sau khi cai nghiện thành công, anh Quốc T đã vay mượn mua chiếc xe máy để chạy xe ôm. Nhờ sự chăm chỉ, không ngại mưa nắng nên anh cũng có thu nhập khá. Anh nhận được sự tin tưởng của nhiều hộ gia đình trong tổ dân phố, nhiều họ đã thuê cố định anh đưa đón con theo tháng.
Anh Ngô Huy T và anh Cao Quốc T là hai trong số nhiều người nghiện sau cai đã hòa nhập với cộng đồng, trở thành những công dân có ích.
Nhiều chính sách hỗ trợ người lầm lỡ vươn lên
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% xã phường trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có mô hình quản lý sau cai. Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho học viên sau cai. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể luôn sát cánh cùng gia đình để đồng hành cùng các học viên trong quá trình trị liệu, lao động và dạy nghề, tạo việc làm xây dựng cuộc sống mới, có công ăn việc làm ổn định, nuôi sống được bản thân và gia đình, trở thành những người công dân có ích cho xã hội.
Theo báo cáo của UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội), CLB B93 phường thời gian qua đã thực hiện có hiệu quả việc cảm hóa, giúp người sau cai ma túy không tái nghiện, trở thành điểm tựa vững chắc cho những người một thời lầm lỡ với “nàng tiên nâu”
Bà Cao Thị Thủy – Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc cho biết, những tình nguyện viên của CLB là những người có uy tín, kinh nghiệm trong công tác dân vận, hoạt động xã hội. Từ khi ra đời đến nay, CLB B93 đã góp phần không nhỏ giúp những người đã từng lầm lỡ trong việc cai nghiện, bớt đi các hành vi vi phạm pháp luật, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Nhờ duy trì mô hình này, tệ nạn xã hội trên địa bàn phường Vĩnh Phúc giảm đáng kể, nhiều người nghiện sau cai đã hòa nhập với cộng đồng, trở thành những công dân có ích” – bà Cao Thị Thủy nhấn mạnh.
Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, toàn TP đã duy trì và triển khai 465 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại 450 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 15 đơn vị cấp xã đồng thời triển khai 2 mô hình tại địa bàn là quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên.
Trong giai đoạn 2021 – 2023, có 330 đơn vị triển khai mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng”. 22 đơn vị triển khai xây dựng mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng”. 62 đơn vị triển khai mô hình “Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người CNMT hòa nhập cộng đồng – Câu lạc bộ B93”. Trước đó, TP đang duy trì 37 Câu lạc bộ B93 và 14 Điểm tư vấn tại một số quận, huyện, thị xã.
Sau khi thành lập mô hình, các địa phương đã thực hiện rà soát, thống kê, lập danh sách người nghiện và sau cai trên địa bàn. Đồng thời, tích cực tổ chức các hoạt động tiếp cận, vận động người sau cai tham gia mô hình. Thông qua các mô hình, nhiều người sau cai nghiện ma túy đã được giúp đỡ, hỗ trợ.
Theo đó, 267 người được hỗ trợ tạo việc làm như nghề may, mộc, cơ khí, bảo vệ, bán hàng….114 người được hỗ trợ vay vốn để sản xuất kinh doanh với tổng số tiền 4.099 triệu đồng (nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ); 53 người được hỗ trợ học nghề như cắt tóc, làm gốm sứ, bảo vệ, quản lý...
Bà Trần Thị Hoài Hương, Trưởng phòng LĐTB&XH quận Long Biên, Phó trưởng Ban chỉ đạo 89 quận Long Biên chia sẻ, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% xã phường trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có mô hình quản lý sau cai, tuy nhiên, đối với Long Biên, năm 2022 đã có 100% (14/14) phường có các mô hình về quản lý sau cai, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai, như: Mô hình "Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng"; "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng"; Mô hình "Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng – Câu lạc bộ B93"...