Hà Nội đột phá trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính

Với việc hỗ trợ thủ tục hành chính 24/7 trên môi trường điện tử, 'phi địa giới', việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội được đánh giá sẽ nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian cho các bên.

Trung tâm phục vụ hành chính công thí điểm ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Nguyên Phương

Trung tâm phục vụ hành chính công thí điểm ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Nguyên Phương

Cấp thiết cải cách thủ tục hành chính

Những năm qua, mặc dù đã đạt được những thành công nhất định trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhưng theo nhận định của TP. Hà Nội công tác này của thành phố vẫn còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và các chỉ số phát triển của thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP. Hà Nội liên tục bị tụt hạng từ vị trí thứ 10 (năm 2021) xuống thứ 18 (năm 2022) và đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố vào năm 2023; chỉ số hài lòng của người dân về cung ứng dịch vụ công của thành phố vẫn ở mức trung bình so với cả nước, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố.

Một năm Hà Nội phát sinh 4 triệu hồ sơ thủ tục hành chính

Một năm Hà Nội phát sinh 4 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, gấp nhiều lần so với các tỉnh thành khác; xử lý khoảng hơn 1.800 thủ tục hành chính. Hà Nội đang quyết tâm thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến để giảm thiểu việc đi lại của người dân và tăng cường minh bạch, phòng ngừa tham nhũng. Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Cù Ngọc Trang.

Hiện nay, hoạt động giải quyết TTHC truyền thống còn gặp nhiều bất cập như: Chưa có cơ quan chuyên trách cấp thành phố với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công cụ để điều phối, giám sát, kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết TTHC một cách công khai, minh bạch; chưa thực sự chú trọng đến cải thiện mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân... Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhiều nơi còn thấp, hoạt động tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp còn mang tính hình thức; tỷ lệ số hóa hồ sơ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số còn hạn chế, mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân chưa cao…

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trên địa bàn TP. Hà Nội để xứng đáng với vị thế, vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo tại Thông báo số 323/TB-VPCP ngày 15/7/2024 của Văn phòng Chính phủ, trong đó yêu cầu TP. Hà Nội tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp theo thẩm quyền các TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa theo thẩm quyền ít nhất 50% số quy định, TTHC và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ.

Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND thành phố là cơ quan hành chính có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thí điểm thực hiện từ tháng 9/2024 đến ngày 30/11/2025.

Thực hiện kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công với mô hình hiện đại, khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong giải quyết TTHC.

Tiết kiệm hàng chục tỷ đồng từ số hóa thủ tục hành chính

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội” (Trung tâm). Theo đó, Trung tâm vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống nền tảng dùng chung.

Trung tâm được xây dựng nhằm tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, giảm đầu mối bộ phận một cửa. Trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Trung tâm hoạt động nhằm tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC đạt tối thiểu 95%.

Trung tâm hoạt động theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và động lực để xây dựng thiết kế mô hình; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của Trung tâm. Đặc biệt, toàn bộ quá trình tiếp nhận, số hóa, luân chuyển, giải quyết, trả kết quả, trách nhiệm giải trình của các cơ quan sẽ được công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, theo tính toán của UBND TP. Hà Nội, việc thành lập Trung tâm sẽ giảm số lượng bộ phận "một cửa" - giảm từ 673 bộ phận "một cửa" còn 30 chi nhánh. Đồng thời, sẽ giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận "một cửa" giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan. Bên cạnh đó, giảm phí cho cơ sở hạ tầng, bảo trì và các chi phí vận hành khác, dự kiến mỗi năm giảm 71,6 tỷ đồng), góp phần tiết kiệm ngân sách.

Ngoài ra, khi Trung tâm thành lập, các quy trình hành chính được đơn giản hóa, giúp giảm thiểu tham nhũng và tăng cường minh bạch; người dân và doanh nghiệp thực hiện TTHC tại một địa điểm duy nhất, giảm chi phí và thời gian di chuyển; chất lượng phục vụ được cải thiện, hỗ trợ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, giảm thời gian chờ đợi của tổ chức, cá nhân xuống trung bình còn tối đa 15 phút/1 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/1 hồ sơ vào năm 2025.

Đề án đảm bảo tính chặt chẽ, toàn diện, khoa học

Ngày 17/9/2024, UBND TP. Hà Nội có tờ trình gửi HĐND TP. Hà Nội về việc xem xét thông qua “Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội”.

Theo UBND TP. Hà Nội, việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là thực hiện theo Nghị quyết số 142 ngày 29/6/2024 của Quốc hội; Nghị quyết số 108 ngày 10/7/2024 của Chính phủ: “Giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan hành chính”. Thủ tướng Chính phủ cũng có kết luận với riêng TP. Hà Nội: “UBND TP. Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND TP. Hà Nội là cơ quan hành chính, thí điểm thực hiện từ tháng 9/2024 đến ngày 30/11/2025”.

Ngày 4/10, tại kỳ họp thứ 18, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã nhất trí thông qua đề án này. Như vậy, Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tổ chức và hoạt động thí điểm của Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội được thực hiện trên cơ sở: “Quyết tâm đổi mới - thận trọng triển khai - khả thi, thực tế” với mục tiêu cao nhất phục vụ người dân - doanh nghiệp; thực hiện theo 3 giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 1 dự kiến từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 31/3/2025 (được xác định là giai đoạn then chốt, có tính quyết định); giai đoạn 2 dự kiến từ ngày 1/4/2025 đến hết ngày 30/6/2025; giai đoạn 3 từ ngày 1/7/2025 trở đi. Trung tâm có trụ sở tại số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế (HĐND TP. Hà Nội), Ban Pháp chế thống nhất đánh giá bố cục và các nội dung trong đề án đã đảm bảo tính chặt chẽ, toàn diện, tính khoa học và thực tiễn trong giải trình, thuyết minh việc thành lập Trung tâm.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-dot-pha-trong-hoat-dong-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-161968.html