Hà Nội dự kiến có thêm 4 quận mới vào năm 2025
Hà Nội phấn đấu ít nhất đến cuối năm 2024, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm được công nhận thành quận; năm 2025, thành phố tập trung đưa huyện Thanh Trì và huyện Hoài Đức thành quận.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 233/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận.
Theo đó, Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu UBND 5 huyện rà soát về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, trường hợp chưa đủ điều kiện, triển khai phương án để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính xã (thị trấn) để thành lập các đơn vị hành chính phường trong Đề án thành lập quận của các huyện, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên.
Huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan hoàn thiện công tác lập hồ sơ đề án và làm việc với các bộ, ngành Trung ương thẩm định. Phấn đấu được phê duyệt đề án thành lập quận của 2 huyện vào quý IV/2024 hoặc quý I/2025.
Các huyện Thanh Trì và Hoài Đức chủ động phối hợp với các sở, ngành, cung cấp hồ sơ, số liệu phục vụ công tác đánh giá tiêu chí; xây dựng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, trong đó chủ động ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách huyện đầu tư xây dựng các công trình, dự án đảm bảo hoàn thành tiêu chí. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai thực hiện để hoàn thành tiêu chí, đề án. Phấn đấu được phê duyệt đề án thành lập quận của 2 huyện vào quý IV/2025.
Với huyện Đan Phượng, tiếp tục rà soát tình hình thực hiện đề án, đánh giá các tiêu chí, xây dựng giải pháp cụ thể; bám sát các sở, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; báo cáo Ban Chỉ đạo của Thành phố về lộ trình và chủ đồng đề xuất phương án, dự kiến thời gian lập hồ sơ, đề án thành lập quận.
Liên quan đến việc này, trước đó Báo cáo về kết quả thực hiện Đề án của 5 huyện 6 tháng đầu năm 2024 tại cuộc họp ngày 7/8/2024, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, đối với huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm, hai huyện đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện nay, hai huyện đang phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng xem xét, công nhận các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập quận, phường, làm cơ sở hoàn thiện đề án trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận.
Đối với huyện Thanh Trì, huyện Hoài Đức và Đan Phượng, về nhóm tiêu chuẩn “diện tích tự nhiên” và “quy mô dân số”, cả ba huyện đều đạt của tiêu chí thành lập quận; tuy nhiên, tiêu chí thành lập phường cả 3 huyện đều chưa đạt.
Nhóm tiêu chuẩn “cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội” và “hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị”, cả ba huyện đều chưa đạt 100% tiêu chí thành lập phường, thành lập quận.
Về khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định, phạm vi đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đã được công nhận phải trùng với phạm vi dự kiến thành lập đơn vị hành chính đô thị. Hiện tại, thành phố Hà Nội chưa phê duyệt chương trình phát triển đô thị.
Hơn nữa, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng vẫn còn diện tích đất nằm ngoài khu vực phát triển đô thị; trong đó, huyện Đan Phượng là đơn vị khó đáp ứng được yêu cầu quy hoạch đô thị toàn bộ ranh giới huyện.
Ngoài ra, về thực hiện các tiêu chí, hầu hết các xã của 5 huyện chưa bảo đảm tiêu chí tự cân đối thu, chi ngân sách.
Trong cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước diễn ra vào sáng ngày 23/7 tại Văn phòng Chủ tịch nước, 5 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định cụ thể và rõ ràng vị trí và vai trò của Thủ đô; các chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cho Hà Nội bổ sung 2 TP thuộc Thủ đô, đó là thành phố phía Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài, sẽ định hướng trở thành thành phố logistics, dịch vụ.
Thành phố thứ 2 trong Thủ đô là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học thuộc phía Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai với trung tâm là Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Việc bổ sung 2 thành phố thuộc Thủ đô theo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đưa Hà Nội trở thành đô thị đặc biệt nhất Việt Nam.