Hà Nội: Du lịch 'xanh' nhiều tiềm năng để phát triển
Chủ trương mà Thành phố Hà Nội định hướng phát triển cho du lịch Thủ đô là du lịch 'xanh'. Đây là con đường phát triển du lịch bền vững cho Thủ đô trong tương lai.
Hà Nội là thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế khi hội đủ yếu tố tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch xanh bền vững. Thiên nhiên ưu đãi cho Thủ đô hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú. Từ khí hậu 4 mùa rõ rệt; nguồn nước mặt và nước ngầm dồi dào quanh năm, cho đến nhiều loại địa hình đa dạng bao gồm các đồng bằng trù phú ở nội đô Hà Nội, các cánh đồng lúa ở Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa... hay những dãy núi đồi uốn lượn ở khu vực Sóc Sơn, Ba Vì.
Đồng thời, các hệ thống cảnh quan sinh thái với Vườn quốc gia Ba Vì, khu thắng cảnh Hương Sơn, cảnh quan vùng núi Viên Nam... cùng một số không gian nông nghiệp như vành đai cây chuyên canh ở các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức…; vành đai trồng hoa cây cảnh tại Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh... có truyền thống lâu đời, vừa sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị, vừa là cảnh quan tự nhiên và nhân văn phục vụ phát triển du lịch đặc biệt du lịch nông thôn, du lịch trang trại.
Nhiều điểm du lịch vùng ngoại thành Hà Nội đang có sự chuyển biến mạnh về xây dựng không gian xanh, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường trong hoạt động du lịch. Điển hình như xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) được nhiều du khách đánh giá cao với trải nghiệm mới tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Một trong những dấu ấn ghi điểm với du khách là cảnh quan môi trường sạch, đẹp, thân thiện.
Các địa danh du lịch tại Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Thạch Thất… cũng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch xanh. Nổi bật là sản phẩm du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, tắm lá thuốc của người Dao, huyện Ba Vì; các hoạt động trải nghiệm tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); du lịch cộng đồng tại huyện Thạch Thất…
Trong khu vực nội thành, nhiều năm nay, các điểm du lịch, dịch vụ, lưu trú cũng tạo dấu ấn với du khách bởi mô hình du lịch xanh, không khói thuốc lá. Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ năm 2019, Hà Nội đã triển khai mô hình du lịch không khói thuốc ở 30 điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa tại quận Hoàn Kiếm như: Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ, Thư viện Quốc gia, Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, Nhà thờ Hàm Long, Nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, Rạp Công nhân… Các điểm có đông khách du lịch tham quan, vì thế đã nhanh chóng tạo được dấu ấn về một Hà Nội xanh - sạch - đẹp - thân thiện và văn minh.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch xanh vẫn đang gặp không ít trở ngại do ý thức của đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, thiên nhiên chưa cao.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch…
"Người dân tại các khu, điểm du lịch cần được đào tạo thường xuyên các kỹ năng đón tiếp khách, cách làm du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm trải nghiệm thân thiện, gần gũi thiên nhiên, dịch vụ lưu trú đủ tiêu chuẩn", PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về du lịch cộng đồng, ứng xử văn minh du lịch ở các quận, huyện, thị xã. Sở cũng yêu cầu các đơn vị lữ hành, điểm đến cần lưu ý đến những yếu tố môi trường, bảo đảm an toàn sức khỏe, phát triển bền vững trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch. Các lớp tập huấn góp phần lan tỏa nhiều mô hình du lịch xanh, giúp người dân địa phương phát huy bản sắc, tham gia cùng chính quyền xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo cho Thủ đô.