Hà Nội dự tính huy động hơn 65.000 tỷ đồng để làm dự án metro Văn Cao- Hòa Lạc
Hội đồng thẩm định Nhà nước vừa phê duyệt kế hoạch thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.
Quyết định chủ trương đầu tư dự án bao gồm 14 phần nội dung thẩm định. Đây là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 65.404 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách TP Hà Nội, được đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư. Dự án được dự nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, có thể cân đối bố trí bổ sung giai đoạn 2026-2030.
Tuyến đường sắt đô thị này là một trong những dự án TP Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức đầu tư công, nguồn vốn thực hiện dự án dự kiến được huy động từ năm nguồn.
Đó là vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 15.000 tỷ đồng; tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng; Vốn đấu giá một số khu đất trên địa bàn Hà Nội khoảng 15.000 tỷ đồng; vốn phát hành trái phiếu của thành phố khoảng 10.000 tỷ đồng và phần vốn còn lại làm dự án dự kiến vay từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Theo Báo cáo tiền khả thi, tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa với chiều dài 38,43 km( 6,5 km đi ngầm; 2,0 km đi cao và 29,93 km đi trên mặt đất) với 21 nhà ga.
Cụ thể, có 6 ga ngầm: ga Quần Ngựa, ga Kim Mã, ga Vành đai 1, ga Vành đai 2, ga Hoàng Đạo Thúy, ga Vành đai 3; 1 ga trên cao: ga Tây Mỗ; 14 ga mặt đất: ga Lê Đức Thọ, ga Mễ Trì, ga An Khánh 1, ga An Khánh 2, ga Song Phương, ga Sài Sơn, ga Quốc Oai, ga Ngọc Mỹ, ga Đồng Bụt, ga Đồng Trúc, ga Đồng Bãi, ga Tiến Xuân, ga Trại Mới, ga Thạch Bình.
Dự án bố trí 2 depot, một tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức với diện tích khoảng 18 ha và một tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất với diện tích khoảng 6,9 ha.
Dự án metro số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Lãng - Hòa Lạc kết nối phía Tây của thành phố với đô thị trung tâm; giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, đồng bộ di dời các cơ quan Chính phủ, Y tế, đào tạo, cơ sở công nghiệp… và kéo theo phát triển kinh tế các huyện còn khó khăn để cùng phát triển.
Theo đánh giá, trong bối cảnh đại học Quốc gia chuyển lên Hòa Lạc, khu công nghệ cao được Bộ KH-CN bàn giao về cho TP Hà Nội làm chủ đầu tư thì tuyến này vô cùng cần thiết./.