Hà Nội đưa đặc sản bản địa thành 'cây hàng hóa'

Hà Nội là địa phương có nhiều giống cây, con đặc sản nhưng lại đứng trước thực trạng bị suy thoái, khó mở rộng theo hướng hàng hóa. Bởi vậy, việc bảo vệ và phát triển các giống đặc sản sẽ giúp Thành phố đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông sản.

Rau muống tiến vua làng Chiếu Linh, sâm cầm Tây Hồ, gà mía-gà đồi Ba Vì, mơ Hương Tích, vịt cỏ Vân Đình, cam Canh, rau sắng chùa Hương… vốn là những nông, đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hà Nội. Tuy nhiên, trải qua thời gian, không ít những nông, đặc sản bản địa này rơi vào cảnh mai một, khó phát triển.

Áp lực đô thị hóa

Chẳng hạn như cam Canh vốn là đặc sản ở Vân Canh (Hoài Đức) đã giúp nhiều hộ gia đình thu về tiền tỷ. Vậy nhưng, địa phương này vốn là vùng ven đô, ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa nên quỹ đất canh tác của người dân bị thu hẹp. Bên cạnh đó, nghề trồng cam vốn bấp bênh bởi phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Nếu “trời thuận” thì cam mới ít sâu bệnh và cho quả ngọt, mọng nước, nếu không, người trồng cam cũng thất thu. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng, dù có về tận Vân Canh thì cũng khó tìm được gốc cam nguyên bản của địa phương.

Cùng chung cảnh ngộ, hồng xiêm Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm) nức tiếng không chỉ là thức quà của Hà Nội mà còn vang danh cả miền Bắc. Nhưng nay, số lượng cây hồng xiêm còn sót lại ở Xuân Đỉnh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó là những tòa nhà cao tầng của quá trình đô thị hóa.

Còn tại vùng đất Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) nổi tiếng với quả mơ có vị đặc trưng và được Sở NN&PTNT Hà Nội đưa vào “Danh mục một số nguồn gen cây trồng đặc sản Hà Nội”. Tuy nhiên, đây vốn là cây trồng sống trên núi, điều kiện chăm sóc không dễ nên để mở rộng diện tích loại quả đặc sản này tương xứng với vùng đất du lịch cũng là bài toán dài hơi.

Bưởi đỏ của HTX Đông Cao (Mê Linh) là đặc sản đang được bảo tồn và phát triển.

Bưởi đỏ của HTX Đông Cao (Mê Linh) là đặc sản đang được bảo tồn và phát triển.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, Thành phố hiện có 22 giống cây trồng đặc sản, lâu năm được đưa vào danh mục một số nguồn gen cây đặc sản Hà Nội để bảo tồn và phát triển. Trong đó có 12 giống cây ăn quả gồm: khế Bắc Biên, mít na Sơn Đà, hồng xiêm Xuân Đỉnh, bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, bưởi đỏ Mê Linh, bưởi Tháng Mười, quýt đường Canh (cam đường Canh), phật thủ Đắc Sở, ổi Đông Dư, nhãn chín muộn Hà Tây, mơ Hương Tích.

Ngoài ra là 7 giống rau: rau sắng chùa Hương, cải bẹ dưa Đông Dư, cải mào gà Hoài Đức, Húng Láng, rau muống Linh Chiểu, khoai tây Thường Tín, cải mơ Hà Nội và 3 giống hoa, cây cảnh: địa lan kiếm và sen Tây Hồ, hoa đào Nhật Tân.

Một điều dễ nhận thấy là những giống cây trồng, vật nuôi này từng gặp khó khăn trong quá trình phát triển, mở rộng diện tích bởi nhiều địa phương đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Nhưng nếu có kế hoạch phát triển đúng hướng, áp dụng khoa học công nghệ phù hợp, những giống cây trồng, vật nuôi này sẽ cho giá trị trị kinh tế cao và trở thành các sản phẩm chủ lực của Hà Nội.

Không bỏ cuộc

Khôi phục, cải tạo và phát triển một số cây, con đặc sản quý hiếm không chỉ giúp lưu giữ giá trị văn hóa mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập, thúc đẩy giá trị kinh tế, thích ứng với thị trường. Nhưng để người dân, HTX sống được từ cây, con đặc sản này thì cần rất nhiều yếu tố.

Tại HTX Nông nghiệp Phương Viên (Hoài Đức) đang phát triển cây bưởi Diễn, theo tính toán của các thành viên, mỗi năm, loại nông sản này có thể mang về ít nhất là 30 triệu đồng/sào. Nhưng khó khăn mà thành viên HTX gặp phải là loại cây trồng này phụ thuộc lớn vào thời tiết. Ngoài ra, do nhiều địa phương thấy bưởi Diễn cho giá trị cao nên chiết cành, mua giống về trồng tràn lan làm ảnh hưởng đến giá trị thực của loại cây trồng này.

Hay như cây húng Láng đang được di thực về huyện Ba Vì và Thường tín để trồng vì ở quận Đống Đa đang thiếu đất phát triển nông nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Minh (Thường Tín), cho biết cây húng Láng vốn có nguồn gốc ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Việc di thực cây húng Láng về địa phương trồng tuy có thể cho số lượng lớn nhưng làm sao để giữ được hương vị đặc biệt của húng Láng cũng là cái khó của người trồng rau gia vị.

Theo các ngành chức năng, việc phát triển một số giống cây, con đặc sản hiện còn gặp khó khăn trong việc nhân giống. Nhiều loại cây trồng có thời gian nhân giống khá lâu nên khó trong việc mở rộng diện tích. Chẳng hạn như cây rau sắng, tuy có giá lên đến hàng trăm nghìn đồng mỗi kg nhưng thời gian nhân giống phải 4-5 năm. Sau đó, khi đưa vào thực tế trồng phải khoảng 8-10 năm mới cho thu hoạch. Chính vì vậy, nhiều người dân không thể chuyên tâm vào phát triển loại cây này.

Dù gặp không ít khó khăn nhưng các cơ quan quản lý của Hà Nội nhận thấy người dân thành phố đang có nhu cầu lớn về nông sản, thực phẩm. Bên cạnh đó, việc trồng một số loại cây trồng truyền thống như lúa đang gặp khó khăn về diện tích, năng suất nên phát triển các loại cây, con đặc sản sẽ là điểm nhấn trong quá trình tái cơ cấu kinh tế của Thành phố, giúp người dân nâng cao thu nhập. Phát triển các nguồn gen đặc sản cũng sẽ giúp HTX thúc đẩy, gia tăng số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP.

Để làm được điều này, Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và các cục, vụ, viện để bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen quý. Thành phố cũng đang từng bước xây dựng bộ kỹ thuật sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi gắn với chú trọng phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn; ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nhằm nâng tầm cho đặc sản của Thủ đô.

Nhiều địa phương cũng đã hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, giống cây, phân bón... để phát triển cây, con đặc sản theo chuỗi giá trị thông qua HTX.

Đặc biệt, Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam trong việc điều tra hiện trạng, bình tuyển, khai thác phát triển nguồn gen quý. Sau đó, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp bền vững để phục tráng, phát triển các giống cây đặc sản bản địa, cũng như tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể cho nông sản bản địa.

Có thể thấy, việc bảo tồn nguồn gen bản địa là một trong những giải pháp lâu dài giúp cho việc chuyển đổi nhanh giống cây trồng vật nuôi phù hợp với môi trường và góp phần đảm bảo cho nền nông nghiệp của Thành phố phát triển bền vững. Hướng đi này của Hà Nội càng quan trọng khi ngành nông nghiệp cả nước đang đẩy mạnh tái cơ cấu cũng như phát triển các sản phẩm chủ lực ở các vùng, miền.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/ha-noi-dua-dac-san-ban-dia-thanh-cay-hang-hoa-1093038.html