Hà Nội đưa giải pháp thúc tiến độ hai dự án nút giao An Dương - đường Thanh Niên và nâng cấp đường Xuân Diệu
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chia sẻ với báo chí về định hướng chỉ đạo, tháo gỡ của thành phố trước những khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên và dự án nâng cấp đường Xuân Diệu (quận Tây Hồ).
- Sau chuyến kiểm tra hiện trường tại một số điểm thi công Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên sáng 6-3, ông có nhận xét gì về tiến độ thực hiện của chủ đầu tư cũng như các nhà thầu thi công?
- Dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm là đoạn tuyến Vành đai 1 được cải tạo nâng cấp mở rộng trục huyết mạch nối từ khu vực cầu Nhật Tân về tới trung tâm chính trị hành chính Ba Đình. Tuyến đường này nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố các nhiệm kỳ. Lần điều chỉnh chủ trương đầu tư gần đây nhất, UBND thành phố cho phép thời hạn hoàn thành đến hết năm 2024 bởi triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình này có đặc thù gần 50% thời gian trong năm phải dừng lại để bảo đảm phòng, chống lũ theo yêu cầu quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cũng theo tiến độ được giao, đến hết năm 2024, Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên kết hợp với việc thay thế một phần đê đất sang đê bê tông mới kết thúc thời gian thực hiện. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội đã rút ngắn tiến độ 6 tháng, yêu cầu hoàn thành thông xe kỹ thuật dự án trước ngày 30-6-2024.
Đôn đốc tiến độ thực hiện, từ năm 2022 đến nay, UBND thành phố liên tục kiểm tra ngoài hiện trường công trình. Qua các lần kiểm tra trước đây cũng như sáng nay, về cơ bản, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội và các nhà thầu thi công xây dựng các gói thầu đang nỗ lực tập trung cao độ, thi công “3 ca 4 kíp” để bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
- Qua trao đổi, nắm bắt thông tin từ các đơn vị, vướng mắc lớn nhất gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án là gì và hướng tháo gỡ của UBND thành phố ra sao, thưa ông?
- Thực tế đây là một công trình rất phức tạp vì các đơn vị vừa tổ chức thi công xây dựng, vừa tổ chức giao thông, lại song hành cùng thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Xuân Diệu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ triển khai. Các tuyến này phải tương hỗ nhau về tổ chức giao thông và khớp nối cả tổ chức thi công ở điểm đầu, điểm cuối. Chính vì thế, đến nay, các dự án đang cùng song hành gần về đích.
Tuy nhiên, sau cuộc kiểm tra hôm nay, chúng tôi có chút lo ngại liên quan đến việc phối hợp chưa hiệu quả và phát sinh vướng mắc do tính chất thi công các công trình thuộc nhiều ngành khác nhau. Dự án được triển khai thi công đồng bộ với dự án tuyến cáp ngầm 110kV Tây Hồ - Yên Phụ do Tổng công ty Điện lực Hà Nội làm chủ đầu tư.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, Ban Quản lý dự án đã bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án phát triển điện lực Hà Nội để thi công hạng mục tuyến cáp ngầm 110kV gồm 1.750/2.700m tuyến và 3/5 vị trí hầm cáp từ đầu tháng 1-2024. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, qua 2 tháng thi công, Ban Quản lý dự án phát triển điện lực Hà Nội mới bàn giao lại 200m tuyến và 2 vị trí hầm cáp, tức khoảng 12% khối lượng. Tiến độ thi công của nhà thầu thi công tuyến cáp ngầm 110kV như vậy rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án trước 30-6.
Tại buổi làm việc hôm nay, trước yêu cầu của thành phố, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Ban Quản lý dự án phát triển điện lực Hà Nội đã cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công. Các đơn vị sẽ khớp nối thi công cuốn chiếu, liên tục tiếp nhận và bàn giao mặt bằng, không để khoảng trống về thời gian để hoàn thành các hạng mục công việc, bảo đảm đến ngày 30-4 sẽ triển khai xong hai đường biên và từ tháng 4 đến tháng 6, thực hiện dứt điểm phần trung tâm của tuyến.
Sau cuộc kiểm tra, lãnh đạo thành phố cũng sẽ có văn bản chỉ đạo các cơ quan tập trung cao độ, phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả để hoàn thành thông xe kỹ thuật toàn tuyến trước ngày 30-6 tới.
- Với tiến độ thực hiện dự án nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu hiện nay cũng đang chậm so với kế hoạch, hướng tháo gỡ của thành phố là gì, thưa ông?
- Trong khuôn khổ các dự án đang cùng triển khai, thành phố đã chỉ đạo công tác thi công xây dựng và tổ chức giao thông phải đồng bộ. Đặc biệt, việc triển khai thêm dự án xây dựng tuyến đường Đặng Thai Mai - giai đoạn 1 đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trình thẩm định trong tháng 3-2024, cũng sẽ có ý nghĩa quan trọng do thuộc trục cảnh quan văn hóa trên nền tảng trục Hồ Tây - Cổ Loa.
Với riêng Dự án nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu (phường Quảng An) hiện cơ bản hoàn thành mặt cắt ngang. Vướng mắc do UBND quận báo cáo là phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng với 11 hộ dân thuộc phía kè hồ Tây.
Theo phương án của UBND quận xác lập, do nguồn gốc đất tương đối phức tạp, không đủ các điều kiện pháp lý nên không hỗ trợ bồi thường và bố trí tái định cư. Tuy nhiên, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng UBND quận phối hợp rà soát, nghiên cứu kỹ tính pháp lý từ giai đoạn các hộ phải giải phóng mặt bằng liên quan đến triển khai kè hồ Tây và đường dạo quanh hồ cho đến nay là tiếp nối với đường Xuân Diệu. Thành phố dự kiến có chủ trương hỗ trợ cơ chế, chính sách khác cho người dân. Cộng thêm công tác tuyên truyền, vận động đang được UBND quận Tây Hồ đẩy mạnh triển khai, hy vọng 11 hộ gia đình sẽ sớm bàn giao nốt mặt bằng để triển khai dự án.
UBND quận Tây Hồ báo cáo phấn đấu hoàn thành dự án trong quý III-2024. Tuy nhiên, UBND thành phố yêu cầu phải rút ngắn tiến độ, hoàn thành vào cuối quý II, đầu quý III-2024, bảo đảm đồng bộ kết nối với các dự án giao thông huyết mạch đang được triển khai trên địa bàn quận.
- Trân trọng cảm ơn ông!