Hà Nội đưa hàng hóa về nông thôn và vùng cách ly

Để đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục người dân, Sở Công Thương Hà Nội đã kiểm tra các đơn vị thương mại trên địa bàn Hà Nội về việc chuẩn bị hàng hóa và công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các đơn vị.

Khách xếp hàng chờ thanh toán tại siêu thị Vinmart. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Khách xếp hàng chờ thanh toán tại siêu thị Vinmart. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Ngoài việc yêu cầu các đơn vị thương mại trên địa bàn thành phố cần chuẩn bị hàng hóa thiết yếu tăng gấp 3 lần so với bình thường, Sở Công Thương Hà Nội còn đề nghị các đơn vị thương mại sẵn sàng phương án đưa hàng hóa về nông thôn, nhất là các vùng có người dân bị cách ly do dịch COVID-19 đảm bảo bình ổn giá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, kể cả trong những trường hợp tăng đột biến.

Tăng dự trữ gấp 3 lần

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc vùng khu vực Hà Nội hệ thống siêu thị VinMart cho hay, hiện tại doanh nghiệp có hơn 130 siêu thị Vinmart và 2.900 siêu thị mini Vinmart+ tại 63 tỉnh/thành phố. Riêng tại Hà Nội, Vincommerce có 52 siêu thị Vinmart và 828 cửa hàng Vinmart+. Công ty có 2 kho dự trữ hàng hóa với tổng diện tích 24.000m2, có thể dự trữ 1.400.000 sản phẩm/ngày.

Hiện công ty đang dự trữ 300 sản phẩm thiết yếu, mức dự trữ tăng từ 5-10 lần so với bình thường. Hàng hóa được lưu trữ ở kho và nhà cung cấp. Hàng hóa lưu trữ trong kho từ 5-10 ngày để đảm bảo trong trường hợp hàng hóa nhà cung cấp chưa kịp giao trong thời gian này thì phía doanh nghiệp vẫn có đủ hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng làm việc với các nhà cung cấp và thực hiện cam kết với các nhà cung cấp đảm bảo nguồn hàng cho doanh nghiệp.

Đại diện Công ty cũng cho biết, doanh nghiệp đảm bảo được năng lực điều phối hàng hóa, nhân sự vận chuyển, kho mát và kho khô với gần 1.000 cán bộ nhân viên phục vụ và các phương tiện vận chuyển đầy đủ. Các hàng hóa tại hệ thống được Công ty cam kết đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, Công ty cam kết không tăng giá hàng hóa dù việc chi phí vận chuyển có tăng cao so với thời điểm không có dịch.

Bà Đỗ Ngọc Khánh Chi, Giám đốc siêu thị Công ty TNHH AEON Việt Nam - chi nhánh Hà Đông cho biết, đến thời điểm này, lượng hàng hóa dự trữ trên toàn hệ thống siêu thị tăng từ 1,5 – 2 lần so với thông thường. Việc dự trữ này tùy thuộc vào từng nhóm mặt hàng. Ví dụ như mặt hàng gạo, mỳ tôm lượng dự trữ tăng lên nhiều hơn tại siêu thị hay tại kho của doanh nghiệp, nhưng với mặt hàng trứng hay thịt phía siêu thị đã ước tính với nhà cung cấp để họ chủ động cung cấp trong trường hợp nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến.

"Số liệu này được AEON xây dựng so với số lượng mua hàng của cùng kỳ năm ngoái. Trong trường hợp nhu cầu tiêu dùng tại kênh siêu thị tăng đột xuất, phía AEON sẽ điều chỉnh lại để đảm bảo đủ lượng hàng hóa cung cấp cho khách hàng”, bà Đỗ Ngọc Khánh Chi cho biết thêm.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội chia sẻ, trong đợt dịch trước, có thời điểm đơn hàng thiết yếu tăng 300% là do doanh nghiệp chuẩn bị đẩy đủ, làm việc với các nhà cung cấp để dự trữ hàng hóa nên đáp ứng đầy đủ cho người tiêu dùng. Không để khan hàng, sốt giá. Đồng thời, doanh nghiệp cũng giảm bớt tình trạng nhập vào những mặt hàng không thiết yếu để lấy chỗ dự trữ hàng thiết yếu. Từ tháng 3 đến tháng 6, doanh nghiệp đã mở 25 điểm bán hàng Hapro Foods tại khu vực đông dân cư.

Với kinh nghiệm chuẩn bị hàng hóa từ đợt dịch trước, đối với dịch COVID-19 lần này, phía doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung ứng, đẩy mạnh dự trữ hàng hóa. Ngoài dự trữ hàng hóa tại siêu thị, doanh nghiệp còn dự trữ hàng hóa tại 7 kho hàng.

Sẵn sàng đưa hàng hóa về nông thôn

Qua kiểm tra các đơn vị thương mại trên địa bàn Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội đánh giá cao việc thực hiện dự trữ hàng hóa của các đơn vị thương mại đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; có phương án phòng chống dịch cho cán bộ nhân viên và các điểm kinh doanh. Bà Trần Thị Phương Lan cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp tiếp tục triển khai tốt việc tuyên truyền và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Bởi khi thực hiện càng tốt, càng khắt khe thì việc kiểm soát được dịch bệnh càng cao.

Về dự trữ hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công Thương yêu cầu, các công ty bố trí đầy đủ hàng hóa tại các cửa hàng, tăng lượng nhân viên nhất là những ngày cuối tuần. Hàng hóa tại kho hàng, nhà cung cấp cần đáp ứng đầy đủ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Hàng hóa cần đảm bảo đúng quy định an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, không để khan hàng, tăng giá, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các đơn vị thương mại cần sẵn sàng phương án đưa hàng hóa về nông thôn, nhất là các vùng có người dân bị cách ly do dịch. Tại các địa phương Hà Nội đã bố trí các nhà văn hóa, trung tâm thể thao không sử dụng đến để các doanh nghiệp có thể đưa hàng đến, nhất là các vùng có người dân cách ly.

Ông Mạnh Đình Thuận, Giám đốc Vận hành siêu thị BRG Retail cho biết, về kênh phân phối, để đảm bảo không xảy ra tình trạng dồn khách hàng quá lớn, tích trữ hàng hóa, phía Công ty đã tích cực tuyên truyền cho người tiêu dùng. Đồng thời, Công ty mở 3 kênh bán hàng online (qua điện thoại, qua phần mềm và website) để khách hàng có thể dễ dàng mua sắm hàng hóa thiết yếu hàng ngày.

Để đảm bảo phòng chống dịch, Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo và thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch, bệnh, cách phòng chống COVID-19 cho cán bộ, nhân viên. Thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho tất cả cán bộ, nhân viên cũng như 100% khách hàng đến mua sắm tại siêu thị. Khi cần thiết, việc thanh toán tiền cũng được thực hiện giãn cách để đảm bảo trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết, để đảm bảo việc cung cấp hàng hóa trên địa bàn thành phố, doanh nghiệp kiến nghị thành phố tạo điều kiện để các xe giao hàng được hoạt động, giao hàng vào các khung giờ cấm. Bởi việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong thời gian dịch là cấp bách và biến động nhanh, không giống như việc đảm bảo cung cầu vào dịp lễ, tết.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc vùng khu vực Hà Nội hệ thống siêu thị VinMart cho biết, vấn đề doanh nghiệp lo ngại nhất là quy định chính sách của mỗi tỉnh mỗi khác trong chống dịch COVID-19, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, gây bị động trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các tỉnh. Phía doanh nghiệp cũng đề nghị, cần có giải pháp tổng thể luôn để doanh nghiệp có hướng xử lý, đáp ứng nguồn cung kịp thời.

Liên quan đến xe vận chuyển, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, doanh nghiệp phải luôn luôn chủ động xe vận chuyển, nếu phát sinh lúc nào thì báo cáo ngay lúc đó để Sở tổng hợp báo cáo Thành phố tháo gỡ giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của người dân.

Liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp về quy định của các tỉnh thành phố không thống nhất. Để đảm bảo quy định phòng chống dịch, Sở cũng sẽ kiến nghị lên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội để báo cáo với Chính phủ, từ đó có chỉ đạo chung đối với 63 tỉnh thành trên cả nước về việc đảm bảo lưu thông hàng hóa cũng như trong phòng chống dịch của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Nam Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ha-noi-dua-hang-hoa-ve-nong-thon-va-vung-cach-ly-20200820084026486.htm