Hà Nội: Dừng chủ trương đầu tư dự án N14, N15 đường Lê Văn Lương
UBND TP Hà Nội chỉ đạo dừng thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại ô đất N14, N15 đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy).
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản thông tin về loạt dự án cao ốc chậm triển khai trên địa bàn TP, trong đó có dự án N14, N15 đường Lê Văn Lương và dự án số 48 Trần Duy Hưng, số 216 Trần Duy Hưng thuộc địa bàn phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Liên quan đến ô đất N14, N15 đường Lê Văn Lương, UBND TP Hà Nội cho biết, ô đất có tổng diện tích 12.560,6m2, được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 11/08/2016. Đây là dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Louis làm chủ đầu tư.
Trong quá trình triển khai công tác GPMB có phát sinh đơn thư. Căn cứ báo cáo của Thanh tra TP về việc xem xét đơn thư, tháng 2/2020, UBND TP đã có chỉ đạo về việc dừng thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Về việc xử lý các nội dung tồn tại của dự án, UBND TP đã giao các Sở, ngành rà soát quy định hiện hành để tham mưu đề xuất.
Liên quan đến dự án N14, N15 đường Lê Văn Lương, trong báo cáo mới nhất trả lời cử tri, UBND TP Hà Nội cho biết, ô đất N14, N15 có tổng diện tích 12.561m2, được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2016.
Trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, dự án có phát sinh đơn thư. Căn cứ báo cáo của Thanh tra TP Hà Nội và xem xét đơn thư, tháng 2/2020, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo dừng thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án này. Việc xử lý các nội dung tồn tại của dự án, thành phố đã giao các Sở, ban, ngành rà soát quy định hiện hành để tham mưu đề xuất.
Được biết, khu đất dự án N14, N15 nằm tại ô quy hoạch có ký hiệu QH 46, thuộc địa phận phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Phía Tây Nam dự án giáp phố Hoàng Ngân, phía Tây Bắc giáp tiếp giáp đường Lê Văn Lương. Ô đất N14 và N15 trước đây từng có tên cũ là ô đất 5.1-NO và 5.5-NO. Từ năm 2018, các hộ dân trên vùng dự án đã nhận quyết định thu hồi đất. Theo ghi nhận, một phần khu đất thuộc dự án đã được giải phóng mặt bằng và quây tôn.
Tại báo cáo đề xuất nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn thời kỳ 2021 - 2030 mà UBND quận Cầu Giấy gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, dự án này có diện tích 0,96ha, chức năng là đất ở đô thị. Khu đất hiện thuộc sở hữu của các hộ nguyên là nhà công vụ của Sở chỉ huy Sư đoàn phòng không 361 trong những năm chiến tranh.
Năm 2001, UBND TP Hà Nội đã cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ tại đây. Các hộ dân cho rằng, ngày 6/8/2002, do Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thời điểm đó là ông Hoàng Văn Nghiên ký, ban hành cùng bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, đã xác định diện tích nói trên là đất quốc phòng, nằm trong lô đất ký hiệu 5.6 QĐ, với tổng diện tích 2.377m2.
Từ năm 2010, UBND quận Cầu Giấy, Chi nhánh Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy) nhiều lần ban hành văn bản thu hồi, buộc 14 hộ dân bàn giao đất. Điều đáng nói, phần diện tích 1.554 m2 thuộc lô đất ký hiệu 5.6 QĐ bị điều chỉnh trên bản đồ, đưa sang lô 5.1 NO và 5.5 NO.
Tại Quyết định số 3011/QĐ-UB, ngày 10/6/2016, của UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết cải tạo, chỉnh trang hai bên tuyến đường Lê Văn Lương ban hành kèm bản đồ chi tiết tỷ lệ 1/500, lại đổi ký hiệu phần đất nói trên thành: N14 và N15. Riêng lô 5.6 QĐ đổi thành N16, ghi rõ tổng diện tích vẫn là 2.377m2.
Cùng trong năm 2016, UBND TPố Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 4376/QĐ-UBND, ngày 18/11/2016, chấp thuận về chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Louis (Công ty Louis) là chủ đầu tư thực hiện dự án “xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ và nhà ở” tại lô đất ký hiệu N14, N15.
Về Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Louis, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 2/2016, có trụ sở tại Đống Đa, Hà Nội. Doanh nghiệp này có nhiều mối liên hệ với Tập đoàn Lã Vọng.
Trước đây, cơ cấu cổ đông của Công ty Louis có sự xuất hiện của ông Lê Văn Vọng - người sáng lập Tập đoàn Lã Vọng Group. Ngoài ra, cổ đông sáng lập của Công ty Louis còn có bà Đặng Thị Lý - cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Phát triển và Dịch vụ Thương mại Đại An. Công ty này được thành lập với với vốn điều lệ ban đầu là 450 tỷ đồng. Ngoài bà Lý, công ty này còn có 2 cổ đông chính khác là ông Nguyễn Văn Quang và ông Lê Văn Vân (em trai ông Lê Văn Vọng - Chủ tịch Tập đoàn Lã Vọng).
Bên cạnh đó, còn quá nhiều những vấn đề chung quanh dự án này và những kiến nghị chính đáng của người dân đang chưa được UBND quận Cầu Giấy giải đáp thỏa đáng, như: Công ty Louis có phải được tách ra từ Hancom hay không? Công ty Louis có được phép kế thừa thực hiện các dự án do Hancom được giao chủ đầu tư trước đó hay không? Công ty Louis có được kế thừa sử dụng hơn 4.000m2 quỹ đất tái định cư tại phường Mỹ Đình 2 cho người dân bị thu hồi đất tại lô N14, N15 Lê Văn Lương hay không? Việc chủ đầu tư rao bán căn hộ cao cấp, nhà phố thương mại, biệt thự… của dự án này có đúng chủ trương chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 4376/QĐ-UBND, ngày 11/8/2016, của UBND Thành phố Hà Nội hay không?