Sáng 19/7, ngày đầu tiên Hà Nội tạm dừng dịch vụ không thiết yếu để phòng chống COVID-19, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đầy ắp hàng hóa phục vụ người dân.
Tại BigC Thăng Long, (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), ngay từ sớm, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả đã đầy ắp, phủ kín kệ hàng, giá cả cũng không khác ngày thường: cải thảo giá 14.700 đồng/kg; khoai tây giá 17.900 đồng/kg; khoai lang: 22.400 đồng/kg.
Trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Mai Phương - Giám đốc BigC Thăng Long - cho biết, siêu thị này đã tăng gấp 5 lần lượng thực phẩm tươi sống và gấp 3 lần đối với các mặt hàng đồ khô để phục vụ nhu cầu tăng vọt của khách hàng.
Tại siêu thị Lotte Đào Tấn (quận Ba Đình), các mặt hàng tươi sống cũng đã được bổ sung rất phong phú. Một khách hàng tại đây cho biết, khác hẳn với cảnh hàng hóa bị vét sạch trong tối qua, đến nay, mọi thứ đã ổn định trở lại. "Tôi cho rằng tối qua có thể là do vào dịp cuối tuần cộng thêm tâm lý lo lắng sợ thiếu hàng hóa, cũng như muốn tránh đi mua hàng nhiều lần để phòng dịch bệnh nên người dân mới đổ xô đi mua sắm như thế. Nhưng sáng nay, việc siêu thị đầy ắp hàng đã chứng tỏ nguồn cung không hề thiếu".
Tuy vậy, tình trạng người mua đông đúc, xếp hàng dài chờ thanh toán vẫn diễn ra tại siêu thị này vào sáng nay. Khi được hỏi, phần lớn đều cho rằng muốn tranh thủ mua hàng sớm để tránh cảnh dịch bệnh lây lan, không tiện ra chỗ công cộng.
Tại siêu thị Vinmart (Quan Nhân, quận Thanh Xuân), mọi mặt hàng đều dồi dào. Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc - cho biết, sau khi Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng dịch COVID-19, hệ thống VinMart/VinMart+ tại Hà Nội ghi nhận số lượng người mua sắm tăng cao, dẫn đến tình trạng trống kệ cục bộ tại một số điểm bán. Tuy nhiên, theo ông Hà, siêu thị đã lập tức tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 lần nhằm đảm bảo bảo hàng hóa đầy đủ tại tất cả các điểm bán. Giá cả cũng được đảm bảo không tăng: cải thảo 19.600 đồng/kg; bắp cải trắng 18.000 đồng/kg; bắp cải tím giá 49.900 đồng/kg.
Trong khi đó, tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, VinMart/VinMart+ xây dựng phương án giao hàng tiện lợi nhanh chóng, giúp khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt. "Người tiêu dùng nên bình tĩnh, tin tưởng vào năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa nội địa từ các doanh nghiệp uy tín. Việc đổ xô mua sắm, tích trữ hàng hóa lúc này là không cần thiết, tập trung đông người sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh", ông Hà khuyến cáo.
Không chỉ siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà các chợ dân sinh cũng dồi dào hàng hóa.
Tại chợ Quan Nhân, thịt tươi sống cũng không thiếu.
Trước đó, nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đông cứng người từ 19h ngày 18/7, trước thông tin Hà Nội tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu. Có những siêu thị đã hết sạch rau củ chỉ sau nửa tiếng đồng hồ.
Tại BigC Thăng Long, người dân tấp nập lựa chọn rau xanh trong tối 18/7.
Các mặt hàng như khoai tây, khoai lang...
...cà chua, dưa chuột, bí đỏ...
và các loại thịt đều rất đắt hàng.
Theo quan sát, gạo, mì tôm và các loại đồ khô được rất nhiều khách hàng lựa chọn.
Khách hàng tăng đột biến khiến các quầy thanh toán hoạt động hết công suất. Siêu thị BigC Thăng Long mở hết tất cả quầy thanh toán để phục vụ khách hàng trong tối 18/7.
Dù vậy, khách hàng vẫn phải xếp hàng dài.
Nhân viên tại BigC Thăng Long liên tục chuyển những chiếc xe đẩy hàng từ bãi để xe quay trở lại siêu thị.
Tình trạng đông đúc cũng xảy ra tại siêu thị Vinmart nằm trên đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy).
Một số quầy rau củ đã được bán sạch từ 19h.
Tại Lotte Đào Tấn (Ba Đình), quầy rau củ cũng đã trống trơn từ hơn 19h tối.