Hà Nội: Đường đi bộ thành bãi trông xe, tập kết rác thải
Ngay sau khi Hà Nội đưa vào sử dụng các tuyến đường dành cho người đi bộ, xe đạp những nơi này lại trở thành bãi đỗ xe, nơi tập kết rác thải...
Phần đường đi bộ trên hai tuyến phố liền nhau là Huỳnh Thúc Kháng (quận Ba Đình) và phố Thái Hà (quận Đống Đa) được lập rào chắn, ngăn chặn các phương tiện cơ giới ra vào nhiều năm nay.
Tuy nhiên, dọc đoạn/phần đường dành cho người đi bộ này lại đang trở thành bãi đỗ xe ô tô. Đoạn gần ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng đến số 18 Huỳnh Thúc Kháng (quận Ba Đình, Hà Nội), theo ghi nhận chiều ngày 10/5, xe xếp hàng hai, ba ken đặc, kín hết lối đi. Ngay nút ra vào, dưới tấm biển báo đường dành cho người đi bộ cũng bị ô tô đỗ chắn ngang. Người đi bộ phải di chuyển dưới lòng đường. Người trông xe ở khu vực này cho biết, hầu hết là ô tô của những người làm việc trong các cơ quan gần đó, những ô tô “lạ” muốn đỗ, sẽ thu vé từ 20, 30 nghìn đồng/tiếng.
Cách đó không xa, đoạn đường đi bộ trên phố Thái Hà cũng chịu chung số phận. Đoạn đường được đưa vào khai thác từ giữa năm 2020, chia thành 3 đoạn nhỏ, mỗi đoạn có dựng ba-ri-e rào chắn ở hai đầu ra, vào để chặn các phương tiện cơ giới xâm lấn. Tại các điểm tiếp giáp, ô tô đỗ chắn ngang đường. Thậm chí, một số điểm còn có tình trạng tập kết phế thải xây dựng, rác thải bốc mùi hôi thối.
Bà Nguyễn Thanh Hằng, 50 tuổi, (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Từ khi đưa vào sử dụng, con đường trở thành nơi tập kết rác thải, ô tô đỗ chắn lối đi khiến việc đi lại của người dân khó khăn. Nhiều người đi qua thấy vậy cũng phải né để di chuyển bằng đường khác”.
Dù mới đưa vào hoạt động từ ngày 1/2/2024, tuyến đường kéo dài hơn 2km, dành riêng cho xe đạp và người đi bộ ven sông Tô Lịch (đoạn từ Ngã Tư Sở tới Cầu Giấy) rơi vào tình cảnh ảm đạm, vắng bóng người sử dụng. Một vài đoạn trên tuyến đường trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt, rác thải cồng kềnh. Ghế sofa, tủ gỗ còn nằm chắn ngang một làn đường. Một số nút ra, vào bị lấn chiếm thành điểm đỗ ô tô.
Dự án này được tiến hành nhằm nâng cao việc sử dụng các phương tiện vận tải công cộng của người dân Hà Nội. Dọc tuyến đường được lắp đặt 6 trạm xe đạp công cộng để kết nối với các bến xe buýt, đường sắt đô thị.
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho biết, các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, tránh để việc các tuyến đường đi bộ ngập rác, xe đỗ tràn lan, có thể tăng cường áp dụng công nghệ giám sát để phạt nguội các trường hợp vi phạm. “Tuyến đường dành cho xe đạp, người đi bộ từ nơi xuất phát đến đích chỉ có một đoạn ngắn, liên kết giữa tuyến đường đến các dịch vụ giao thông công cộng còn thấp, nên khả năng phục vụ chưa cao. Vì thế, cần tăng khả năng liên kết giao thông của các tuyến đường, kết hợp với nâng cao văn hóa giao thông xanh, tránh tình trạng rác thải, đỗ xe gây cản trở thì mới hấp dẫn được người dân”, TS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.