Hà Nội: Gấp rút di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm

Những ngày qua, nước sông Hồng dâng cao đã khiến một số điểm tại khu vực quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Tây Hồ ngập lụt, có nơi ngập rất sâu ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã gấp rút tìm cách di chuyển người dân ở vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Nước ngập mênh mông ở khu vực quận Long Biên, Hà Nội.

Nước ngập mênh mông ở khu vực quận Long Biên, Hà Nội.

Lo mất mùa đào, quất vì ngập lụt

Những ngày này, mưa lớn gây ngập lụt khắp nơi khu vực Tứ Liên (Nhật Tân, Hà Nội). Người trồng đào quất đứng ngồi không yên vì lo vụ mùa đào quất Tết năm nay sẽ bị ngập lụt mà mất mùa.

Gia đình anh Trần Mạnh Hùng ở Tứ Liên chuyên cung cấp đào và quất cảnh Tết cho biết, tại vườn quất của gia đình đã ngập mênh mông nước. “Năm nay đào Nhật Tân, quất Tứ Liên có nguy cơ mất mùa rồi. Một số điểm trồng đào gần sông Hồng đã lội nước bì bõm. Một số người dân ở xa hơn đã cẩn thận cứu các cây quất bằng cách đưa lên đê. Nhưng quất còn chạy được, chứ đào thì chạy sao nổi” - anh Hùng buồn bã nói.

Trên một số diễn đàn mạng xã hội, ở các khu vực Chợ Tân Ấp, Phố Bạch Đằng, Vạn Kiếp, An Dương… người dân thường xuyên cập nhật tình trạng nước dâng theo từng giờ. Một số hộ dân nước chưa dâng cao chỉ mong trời ngừng mưa, nước ngừng dâng để không phải di chuyển đồ đạc lên tầng 2.

Chị Nguyễn Minh Thu nhà ở phố An Dương, quận Tây Hồ cho biết: “Nước lên nhanh quá, sáng đi làm còn báo với bạn bè đồng nghiệp là nước còn cách cửa khẩu An Dương xa thế mà đến 12giờ, người nhà gọi điện báo nước đã mấp mé mép cống. Chỉ có bố mẹ già ở nhà nên sốt ruột vô cùng”.

Nhiều người dân ở trong con ngõ 76 đường An Dương cho biết, một số nhà ven quanh bãi sông Hồng nước đã ngập đến ngang ngực từ tối ngày 10/9. Ngày 11/9, cùng với mưa to cả ngày, nước tiếp tục dâng cao hơn. Nhịp sống nhiều người dân bị đảo lộn, phải gấp rút chuyển đồ lên chỗ cao hơn.

Tương tự tại ngõ 46, ngõ 139 đường Chương Dương Độ sáng 11/9 nhiều nhà dân ngập nặng. Phương tiện duy nhất có thể sử dụng để di chuyển và tiếp cận những hộ dân sinh sống trong những con ngõ kể trên chỉ có thể là xuồng nhỏ và thuyền.

Nhiều chủ vườn ở Tứ Liên (Hà Nội) lo lắng mất mùa quất, đào Tết.

Nhiều chủ vườn ở Tứ Liên (Hà Nội) lo lắng mất mùa quất, đào Tết.

Hàng trăm hộ dân được di dời đến khu vực an toàn

Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàn Kiếm phối hợp các lực lượng chức năng tiến hành vận động người dân di chuyển ra khỏi vùng ngập. Các chuyến hàng cứu trợ, áo phao cứu sinh và các thiết bị an toàn được lực lượng bộ đội vận chuyển vào trong khu vực lũ lụt để hỗ trợ người dân.

Cũng trong sáng ngày 11/9, một số tuyến phố thuộc phường Phúc Xá và Chương Dương đều trong tình trạng ngập úng. UBND phường đã đề nghị người dân chủ động di chuyển tài sản, sẵn sàng di dời khi có thông báo để bảo vệ an toàn tính mạng. Các phương tiện cũng được yêu cầu hạn chế vào khu vực này, tránh sự cố và không gây ùn tắc ảnh hưởng công tác cứu hộ của lực lượng chức năng.

Để chủ động ứng phó với nước sông Hồng lên cao, ông Nguyễn Quang Trung - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo UBND 2 phường Bạch Đằng, Thanh Lương tập trung rà soát, đánh giá mức độ nguy hiểm và quyết liệt vận động, tổ chức di dời ngay 100% hộ dân đang cư trú sát bờ sông Hồng (gần sát mép nước) chuyển ra khu vực an toàn.

Theo đó, phường Bạch Đằng có 5 tổ dân phố (8, 10, 11, 12, 13) trong khu vực bờ vở sông Hồng, với tổng số 250 hộ dân sinh sống tại đây, khoảng 1.000 nhân khẩu. Trong đó có khoảng 70 hộ nằm sát mép nước thuộc 4 tổ dân phố có khả năng bị sạt lở.

Tương tự, UBND quận Hoàn Kiếm cũng vận động người dân sinh sống trong ngõ 495, ngõ 661 đường Bạch Đằng có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi ngập lụt cần sớm di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn. Đến sáng 11/9, lực lượng chức năng của quận Hoàn Kiếm đã vận động 46 hộ dân có nhà ở ven sông Hồng (gồm 162 nhân khẩu) của phường Chương Dương di dời lên khu vực địa hình cao hơn.

UBND phường Chương Dương tiến hành dọn dẹp khu vực tầng 2 của chợ Hàng Bè (số 2 Vọng Hà) nhằm phục vụ chỗ ăn ở sinh hoạt cho người dân ở tạm trong giai đoạn nước sông Hồng dâng cao.

Sau ngày 12/9, mưa sẽ giảm

Ngày 11/9, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, từ ngày 11 - 12/9, mưa tiếp tục xảy ra ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sau ngày 12/9, tình hình mưa có dấu hiệu suy giảm. Lũ trên sông Hồng đang có xu thế tăng. Theo dự báo, mực nước trên thượng nguồn biến đổi chậm nên mực nước trên sông Hồng những giờ tới còn xu thế tăng nhưng tăng chậm và có nguy cơ ngập úng ở vùng hạ du. Các khu vực ở hạ du sông Hồng sẽ có nguy cơ lên mức báo động 3, đặc biệt là khu vực trũng thấp, khu vực ven sông. Đây là đợt lũ hiếm gặp trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Trước tình hình đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo người dân cần theo dõi và cập nhật những thông tin dự báo, cảnh báo trên trang web của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, khu vực và các thông tin cập nhật trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời ứng phó, giảm thiệt hại.

A.B

Nhiều đoạn đê xung yếu được đắp cao ngăn lũ dữ

Huyện Đông Anh (Hà Nội) có 3 tuyến sông chạy qua (sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ), đều đang có mực nước cao đến rất cao, có sông trên mức báo động 3, gây ngập lụt một số khu vực. Đáng quan ngại nhất là đoạn đê sông Cà Lồ, chạy qua thôn Kim Tiên, xã Xuân Nội. Hiện mực nước sông Cà Lồ đang vượt mức báo động 3 là 0,6m, nguy cơ đe dọa an toàn đê, ảnh hưởng tới đời sống, vật nuôi của các hộ gia đình thôn Kim Tiên. Theo đánh giá của UBND huyện Đông Anh, đê sông Cà Lồ qua thôn có khoảng 200m đê bị xung yếu và 1.000m đê mặt bằng thấp nên khi trên báo động 3, nước có thể tràn qua đê, gây thiệt hại.

Trước tình thế nguy cấp, UBND huyện quyết định theo tinh thần “3 trước”, ngay trong đêm 10/9 và rạng sáng 11/9, huyện huy động khoảng 300 người gồm Bộ đội, Công an, lực lượng tình nguyện… hỗ trợ thôn Kim Tiên gia cố đê. Nhờ đó, đoạn xung yếu kể trên đã được tăng chiều cao so với mặt đê cũ là 0,7m.

Trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường lúc 2 giờ sáng 11/9, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, việc nâng cao mặt đê đã được huyện tính toán trước đó, với việc xây dựng phương án đưa đất, cát vào các bao tải. Vì vậy, việc đắp 134m3 đất vào đê được các lực lượng hợp đồng tác chiến nhịp nhàng, nhanh chóng, kịp thời ngăn dòng lũ dữ. Mặc dù vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Đông Anh đã chỉ đạo xã Xuân Nội, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ di dời, sơ tán toàn bộ người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn (151 hộ với 373 nhân khẩu của thôn Kim Tiên). Tính đến sáng 11/9, có 100% số hộ tại các nhà tạm, không an toàn được di dời đến nơi an toàn (231 hộ với 446 người), được cung cấp miễn phí nhu yếu phẩm thiết yếu. Cùng với Đông Anh, một số địa phương khác như: Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Trì... đã huy động đông đảo nhân lực tham gia đắp, gia cố nhiều tuyến đê, kịp thời ngăn dòng lũ dữ.

T.X

Nội thành Hà Nội an toàn “dù lũ sông Hồng báo động 3”

Ngày 11/9, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết mưa ở miền Bắc đang có xu thế giảm so với 2 ngày trước. Mưa tập trung ở đồng bằng và Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, dự báo sau ngày 12/9 sẽ giảm.

Hà Nội nằm ở hạ du các con sông lớn như sông Hồng, Đà. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều sông khác chảy qua như Đáy, Đuống, Cầu, Cà Lồ, nội thành có sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét. Nước lũ ở Hà Nội phụ thuộc vào dòng chảy các sông trên.

Do mực nước thượng lưu các sông Hồng ở Lào Cai, Yên Bái đã vượt báo động 3 và đang xuống nên lũ sẽ đổ về Hà Nội. Ông Mai Văn Khiêm cho biết lúc 10 giờ, mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên 11,02m, thấp hơn báo động ba 0,48m. So với dữ liệu quá khứ, mức lũ trên 11m đã xảy ra gần nhất năm 2004 (11,04m). Trong những giờ tới, lũ trên thượng nguồn đổ xuống, lũ sông Hồng còn tăng, tuy nhiên vẫn không thể gây ngập nội thành Hà Nội.

Đông quan điểm, ông Vũ Đức Long - Vụ trưởng Quản lý dự báo khí tượng thủy văn (Tổng cục Khí tượng thủy văn) cho rằng, dù nước lũ có lên báo động 3 (mức cao nhất) thì vẫn không thể gây ngập nội thành Hà Nội, do có hệ thống đê sông Hồng.

X.Ban

H.Hương - M.Sang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ha-noi-gap-rut-di-doi-nguoi-dan-khoi-vung-nguy-hiem-10290069.html