Hà Nội ghi nhận hơn 2.600 ca mắc cúm, đã có trường hợp viêm phổi nặng phải thở máy
Theo Sở Y tế Hà Nội, dịch cúm mùa đang có xu hướng gia tăng, trong đó đã ghi nhận các trường hợp có biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp…
Ngày 20/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thông tin, số ca mắc cúm đang tăng mạnh trên địa bàn thành phố. Theo thống kê từ đầu năm đến 17/7/2022, TP Hà Nội đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, trong tháng 6 đã ghi nhận 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với số mắc ghi nhận trong tháng 5.
Số bệnh nhân có kết quả test nhanh dương tính với cúm chiếm 35,1% so với số khám sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm cúm, trong đó bệnh nhân dương tính với cúm A chiếm 97,6%; cúm B chiếm 2,4%. Số trường hợp có chỉ định nhập viện là 71 ca, chiếm 18,9% so với số trường hợp dương tính với cúm, trong đó có 02 trường hợp viêm phổi suy hô hấp tiến triển (ARDS) nhập viện.
Theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tổng số bệnh nhân mắc cúm trên địa bàn Hà Nội được bệnh viện chỉ định điều trị là 252 trường hợp, bệnh nhân ghi nhận chủ yếu ở nhóm đối tượng trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 44,1%), tiếp đó là nhóm tuổi 18-49 tuổi (chiếm 39,7%). Trong đó có 71 trường hợp nhập viện điều trị nội trú (chủ yếu là trẻ em, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, hầu hết điều trị khỏi sau 3-4 ngày điều trị). Số còn lại được chỉ định điều trị ngoại trú với những triệu chứng nhẹ.
Ca bệnh nặng nhất có biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp là cụ bà L.T.Q, 78 tuổi (ở thôn Hòa Bình, xã Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ, Hà Nội). Bệnh nhân này có tiền sử suy tim và viêm phổi, nhập viện ngày 13/7. Bệnh nhân hiện đang điều trị thở máy tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Theo đó, CDC Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã của thành phố tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm mùa tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt tại các khu vực nguy cơ cao (cơ sở nuôi dưỡng trẻ, trung tâm bảo trợ xã hội, khu thuê trọ, khu sinh sống của công nhân tại các khu công nghiệp,...) để kịp thời phát hiện và xử lý sớm các khu vực có nhiều bệnh nhân, hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong.
Đồng thời rà soát, kiện toàn lại các đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ số trang thiết bị phòng chống dịch để sẵn sàng ứng phó với các tình hình huống khi dịch lây lan trên địa bàn; Tăng cường công tác truyền thông các biện pháp phòng chống dịch; Tổng hợp số liệu báo cáo định kỳ hàng tháng và báo cáo ngay với các trường hợp mắc bệnh nặng, các khu vực có nhiều bệnh nhân…
Phòng chống bệnh cúm mùa như thế nào?
Theo bác sĩ Phạm Thị Kiều Loan, Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Nội, để chủ động phòng bệnh cúm mùa, mọi người cần hiện tốt các biện pháp sau:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Tiêm vắc xin cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Bác sĩ Phạm Thị Kiều Loan cho biết thêm thời gian ủ bệnh của cúm mùa dao động từ 1 đến 4 ngày (trung bình là 2 ngày). Bệnh cúm mùa đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng như sốt, ho, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng và chảy nước mũi. Tuy nhiên không phải trường hợp nào mắc cúm đều có đầy đủ các triệu chứng của bệnh, ước tính có khoảng 75% các ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh thường hồi phục sau một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính (như bệnh ở tim, phổi, thận, gan hoặc máu), phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi và người có tình trạng ức chế miễn dịch (như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất hoặc Corticosteroid).