Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO: Nghệ thuật công cộng không còn bị bỏ rơi?
Nghệ thuật công cộng phản ánh mức độ văn minh của một thành phố, thậm chí có thể trở thành biểu tượng, nơi cung cấp những trải nghiệm ý nghĩa về văn hóa và thẩm mỹ cho cộng đồng xã hội. Thế nhưng, ở Hà Nội, có thể thấy một số không gian nghệ thuật bị các nhà quản lý, cộng đồng 'bỏ rơi'. Liệu rằng thực trạng này sẽ được cải thiện khi Hà Nội chính thức gia nhập vào mạng lưới các thành phố sáng tạo?
Đưa tác phẩm nghệ thuật đến gần công chúng
10 năm qua, Thủ đô Hà Nội xuất hiện một số tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm không gian công cộng mà còn góp phần “thổi” vào đó sức sống mới, được thành phố và người dân ghi nhận.
Công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (tháng 10/2010), dài gần 4km đã được tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới trao Bằng chứng nhận bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới.
Con đường gốm sứ có tổng diện tích khoảng 6.500m2, khởi đầu từ Cửa khẩu Phú Thượng (Tây Hồ), xuôi theo dòng chảy con sông Hồng đến cuối phố Trần Quang Khải, giáp với đường Nguyễn Khoái. Toàn bộ công trình được ghép bằng 27 đoạn tranh gốm nối tiếp nhau theo nhiều chủ đề và các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Công trình này do 20 nghệ sĩ Việt Nam, 15 nghệ sĩ quốc tế, 50 sinh viên các trường mỹ thuật cùng 100 nghệ nhân và thợ thủ công thực hiện, mang dấu ấn của các làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng…
Còn dự án bích họa phố Phùng Hưng được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện từ ngày 3/1/2017, hoàn thành sau hơn 3 tháng thi công, được sự đón nhận vô cùng tích cực của mọi người. Có tổng cộng 19 vòm cầu được các nghệ sĩ Việt - Hàn thực hiện các tác phẩm hội họa, tạo ra một không gian kết nối các giá trị di sản, nghệ thuật và cộng đồng.
Các bức tranh đã tái hiện lại được một phần cuộc sống đã qua của một Hà Nội xưa. Khách du lịch Hà Nội ghé tham quan phố bích họa Phùng Hưng có thể ngắm nhìn hình ảnh Bách hóa Tổng hợp, những người phụ nữ gánh hàng hoa, tàu điện leng keng, món quà ngày Tết… trên vòm cầu. Đó là những nét đẹp của Thủ đô xưa.
Một công trình khác của Hà Nội để lại nhiều dấu ấn là con đường dài chừng 900m, một điểm nối từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến điểm giao với ngã ba đê Âu Cơ dường như thơ mộng hơn từ khi được mang tên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Điểm nhấn của tuyến phố này là những bức họa mô phỏng tác phẩm của cố nhạc sĩ họ Trịnh.
Ngoài ra có thêm một không gian hội họa mở trên cầu để họa sỹ ngồi vẽ trực tiếp phục vụ khách du lịch. Cây cầu hội họa được kỳ vọng là điểm nhấn của tuyến phố với những tác phẩm cực kỳ có giá trị. Ngoài ra, có một sân khấu ngoài trời quy mô lớn rộng hơn 2.000m2 dành để biểu diễn nghệ thuật như: Âm nhạc Trịnh Công Sơn, múa rối nước, hát quan họ, dân ca và các chương trình ca nhạc.
Có thể nói, “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, “Phố bích họa Phùng Hưng” hay “Con đường bích họa giữa phố đi bộ Trịnh Công Sơn” đã góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị của khu phố cổ, Kinh kỳ xưa, đồng thời tạo không gian công cộng mới cho nhân dân, khách du lịch Hà Nội gần xa.
Ghé tham quan những nơi này cũng là dịp để các tác phẩm nghệ thuật công cộng gần gũi hơn với công chúng. Những công trình nghệ thuật công cộng ấy thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Thủ đô và cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều người có dịp đến Thủ đô đã không bỏ lỡ cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của công trình.
Gập ghềnh từ ý tưởng tới hiện thực
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cũng là người được coi là tiên phong trong các dự án nghệ thuật công cộng, từ “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” cho đến “Đài phun nước Bông sen vàng” tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, “Trái tim tình yêu Hà Nội” bên hồ Trúc Bạch… Tuy nhiên theo chị, khó khăn trong việc làm thủ tục xin phép và tìm kiếm nguồn kinh phí… là những rào cản mà những nghệ sỹ tâm huyết với những công trình nghệ thuật cộng đồng gặp phải.
Đề ra ý tưởng không khó nhưng triển khai ý tưởng, tính toán tính khả thi của công trình là một bài toán phức tạp. Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cho biết, chị đang đề xuất với thành phố việc triển khai thực hiện quét sơn vôi trang trí, vẽ một số tranh tường bằng chất liệu acrylic để trang trí lại trục đường Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải… phủ màu lên bến xe buýt Long Biên… Tuy nhiên, dự án này cũng đang gặp nhiều vướng mắc.
Ít ai biết, “Phố bích họa Phùng Hưng” tới giờ vẫn chưa được cấp giấy phép. Tại Hội thảo “Nghệ thuật trong không gian công cộng” do Hiệp hội Các viện văn hóa và Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) phối hợp với Manzi Art Space vừa tổ chức tại Hà Nội tháng 11 vừa qua, giám tuyển dự án “Phố bích họa Phùng Hưng”- nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn kể hành trình làm dự án, nhiều thời điểm bị kiểm duyệt, áp đặt, công trình bị đe dọa bỏ dở; nhưng rồi đến khi ra mắt người dân phố này được hưởng lợi rất nhiều. “Nơi đây thành điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội nhưng thực ra đến giờ đã có giấy phép đâu” – nghệ sĩ Thế Sơn giãi bày.
Nhà điêu khắc Mai Thu Vân, tác giả tham gia nhóm nghệ sĩ sáng tạo chuỗi tác phẩm “Tháp” bày quanh hồ Hoàn Kiếm vừa khiến dư luận “dậy sóng” vì bị ứng xử thậm tệ, thì cho rằng hành trình sáng tạo của các nhóm nghệ sĩ với tác phẩm này là những kinh nghiệm đau đớn, tới lúc mang ra trải nghiệm cũng lại đau đớn. Không nhà quản lý nào chịu cấp kinh phí cho “tác phẩm nghệ thuật” quanh hồ Gươm, lý do vì đây là không gian di sản, khá nhạy cảm. Và họ chỉ được cấp kinh phí dưới danh nghĩa “mô hình chiếu sáng”.
Không chỉ gập ghềnh từ ý tưởng tới hiện thực mà các công trình nghệ thuật công cộng còn bị đối xử thô bạo. Sau gần 10 năm, công trình “Con đường gốm sứ” kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang bị xuống cấp và hư hại nặng.
Đó là thực trạng xuất hiện nhiều mảng gốm bị bong tróc, nứt nẻ, đen xì do việc đốt rác thải sát đoạn đường gốm vào ban đêm. Nhiệt độ từ những chiếc lốp cao su và rác bị đốt tạo khói đen, lớp gốm thì bị bong tróc, nứt toác.
Từng mảng gốm bị phồng rộp, nứt vỡ, bong tróc, lộ rõ những mảng tường xám xịt bên trong. Chưa kể, nhiều đoạn trên con đường này không biết từ bao giờ còn là nơi người dân tập kết hàng hóa, vứt rác và cả... tiểu bậy. Các tác phẩm mỹ thuật trên “Con đường gốm sứ” bị biến dạng thê thảm. Tác phẩm nghệ thuật bỗng chốc trở thành nghệ thuật thảm họa.
Nghệ sĩ điêu khắc Mai Thu Vân thậm chí đã bật khóc khi nhắc tới “số phận” của tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của chị mang tên “Tháp”, tác phẩm sắp đặt mô phỏng một tòa tháp nhiều màu, được lựa chọn trưng bày ở khu vực hồ Gươm dịp tháng 10 vừa qua.
Chỉ sau khi được giới thiệu đến công chúng ít ngày, tác phẩm tâm huyết của chị đã bị một số người vô ý thức biến thành... nhà vệ sinh. Hành động này không chỉ làm tổn thương người nghệ sĩ mà còn khiến cộng đồng hết sức phẫn nộ. Sự việc đồng thời đặt ra câu hỏi: Cần có quy chế như thế nào để bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật nơi công cộng?
Năm 1997, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), với sự đồng ý của Bộ chủ quản phối hợp cùng Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội tổ chức mô hình nghệ thuật Vườn tượng Bách Thảo nhận được sự tham gia của khá nhiều nhà điêu khắc danh tiếng đương thời, trong đó đặc biệt có nghệ sĩ Điềm Phùng Thị.
Các nghệ sĩ nước ngoài khi đó phần nhiều đã có những liên đới nhất định với Việt Nam, như Buonthan Sommali (người Lào, từng là sinh viên mỹ thuật Hà Nội), Hori Yasushi (người Nhật Bản, có bà nội là người Hà Nội), Brian Ring khi đó đã sống ở Hà Nội;... Sau 12 năm, khu nghệ thuật Vườn tượng Bách Thảo dường như bị lãng quên.
Nhiều tác phẩm sắt này đã bị gỉ sét, thủng nham nhở, hư hại rất nhiều. Bên cạnh đó, tất cả biển tên tác phẩm - tác giả được gắn ở phần bệ tác phẩm, gần sát mặt đất nên bị bụi đất bắn lên sau các đợt mưa, bị tróc sơn càng gợi thêm cảm giác hoang tàn, bỏ lơ đối với nghệ thuật của con người.
Những người yêu văn hóa công cộng cho rằng, chứng kiến những hình ảnh này thật chạnh lòng, thậm chí có thể cảm nhận đó là sự đối xử thô bạo với một công trình văn hóa công cộng.
Để phát huy hiệu quả các công trình văn hóa, nghệ thuật công cộng, bên cạnh trách nhiệm của các đơn vị liên quan cũng rất cần ý thức, trách nhiệm của cộng đồng. Hà Nội cần phát huy hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội, quy định cụ thể về việc tôn trọng không gian chung của cộng đồng; tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường...
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay vừa ký Quyết định công nhận 66 thành phố trên thế giới tham gia ứng cử chính thức gia nhập vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Hà Nội vinh dự trở thành thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo (lĩnh vực thiết kế), tham gia quá trình thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố trong mạng lưới với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.
Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội.
Để thực hiện cam kết, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng chương trình hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng và làm giàu nguồn lực văn hóa, sức mạnh mềm của Hà Nội nói chung.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tạo tiền đề thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mạng lưới, khẳng định vị trí và tầm vóc Thủ đô sáng tạo của nước Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.