Hà Nội giải 'bài toán' tội phạm lứa tuổi thanh, thiếu niên
Thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã liên tiếp truy quét, ngăn chặn nhiều nhóm thanh thiếu niên manh động, cầm dao, gậy sắt, đi xe máy phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách trên đường phố.
Đặc biệt, có nhóm tụ tập đánh nhau gây thương tích, mất an ninh trật tự, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Truy quét quái xế trong đêm
Ngày 29/3, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt 9,8 triệu đồng đối với 1 nam thanh niên có hành vi điều khiển xe máy “bốc đầu” xe, gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Trước đó, Công an TP Hà Nội nhận được clip phản ánh của người dân về việc 2 nam thanh niên điều khiển xe máy bốc đầu trên tuyến đường vào đền Gióng, thuộc địa phận xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Sóc Sơn đã khẩn trương xác minh, làm rõ người điều khiển xe là N.M.C (SN: 2002 ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Tại cơ quan Công an, C tường trình vào chiều 27/2 đã điều khiển xe máy, chở người phía sau là T.V.M (SN: 2004) không đội mũ bảo hiểm, thực hiện hành vi “bốc đầu” xe.
Công an huyện Sóc Sơn đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính 9,8 triệu đồng đối với N.M.C về các hành vi: Điều khiển xe mô tô chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, xe mô tô không có gương chiếu hậu, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe… Đồng thời, tạm giữ phương tiện theo quy định và yêu cầu 2 thiếu niên viết cam kết không tái diễn hành vi vi phạm pháp luật.
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội từ ngày 9/3, cuối tháng 3/2022, các Tổ Công tác 141 của Công an TP Hà Nội đã triển khai phương thức bí mật hóa trang, sử dụng phương tiện cá nhân chủ động tuần tra trên đường. Qua đó, phát hiện và chặn giữ 345 đối tượng có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 242 phương tiện vi phạm.
Lực lượng này cũng kịp thời giải tán nhiều đám đông tập trung không cần thiết, phát hiện và thu giữ 1 kiếm, 2 bình bóng cười… Trong đó, phần lớn các đối tượng này có tuổi đời từ 15 - 22 tuổi.
Điển hình, ngày 19/3, do có mâu thuẫn từ trước, 2 nhóm thanh thiếu niên đã tụ tập dùng vỏ chai thủy tinh ném, sau đó cầm hung khí lao vào đánh nhau tại tuyến đường trước cổng khu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa (Hà Đông). Hậu quả là Phạm Tuấn C (SN: 2003), trú tại phường Phú La (Hà Đông) bị thương nằm gục tại hiện trường.
Theo thông tin ban đầu, nhóm đối tượng gây thương tích cho Phạm Tuấn C hầu hết còn khá trẻ, có người chưa đủ 18 tuổi. Tiến hành điều tra, từ ngày 20 đến ngày 22/3, Công an quận Hà Đông đã tạm giữ hình sự 30 đối tượng, trong khoảng 40 đối tượng được xác định, triệu tập liên quan đến vụ án này.
Cụ thể, cả 30 đối tượng đều bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Ngoài số đối tượng trên, đối với những trường hợp chưa đủ 18 tuổi, Công an quận đã lập hồ sơ, bắt viết cam đoan, sau đó tạm cho về để tiếp tục xử lý.
Trước đó (ngày 14/3), Công an huyện Đông Anh tuần tra trên trục đường kinh tế Miền Đông, Cao Lỗ, Quốc lộ 3, Trường Sa... đã phát hiện nhóm 20 nam thanh niên sử dụng xe máy che biển kiểm soát và tháo biển kiểm soát, cầm theo dao kiếm, gậy chạy xe máy với tốc độ cao, bấm còi xe liên tục, lạng lách, đánh võng trên đường.
Hành vi của nhóm thanh thiếu niên gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Theo Công an huyện Đông Anh đã tạm giữ hình sự 18 đối tượng để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra, 2 đối tượng dưới 16 tuổi được Công an huyện Đông Anh áp dụng biện pháp khác để tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý theo pháp luật.
Hầu hết các đối tượng bị xử lý đều là thanh niên có tuổi đời từ 18 - 20 tuổi. Công an huyện Đông Anh đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm nhóm đối tượng theo quy định pháp luật.
Đẩy mạnh giáo dục pháp luật
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết, Phó trưởng Công an huyện Đông Anh cho biết, các đơn vị tăng cường tuần tra kiểm soát, bảo đảm khép kín địa bàn, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Công an huyện Đông Anh đã và đang chỉ đạo Công an các xã, thị trấn tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, kế hoạch đấu tranh, để ngăn ngừa tội phạm trong thanh, thiếu niên. Trọng tâm là phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, để tạo tính răn đe.
Để phòng ngừa có hiệu quả loại tội phạm trên, Thượng tá Thuyết nhấn mạnh cần có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, nhà trường và phụ huynh trong việc giáo dục, định hướng nhân cách cho các thanh, thiếu niên. Ngoài ra, các đơn vị cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường sẽ góp phần giúp học sinh có lối sống lành mạnh, không vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần chủ động hướng dẫn, định hướng cho con em mình tiếp xúc với những thông tin lành mạnh và có sự giám sát chặt chẽ trong việc tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội. Bởi thực tế cho thấy, nhiều hội nhóm trên không gian mạng chứa nhiều thông tin xấu, độc, kích động bạo lực, khi các em tham gia các hội nhóm này rất dễ bị lôi kéo thúc đẩy hành vi phạm tội.
Đồng quan điểm, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, để ngăn chặn, phòng ngừa và kéo giảm được tình trạng tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên cần có giải pháp đồng bộ và trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ riêng giáo dục pháp luật trong nhà trường.
“Giải pháp có hiệu quả nhất là tuyên truyền. Giải pháp này cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể thông qua các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh thiếu niên, để không vi phạm pháp luật.
Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường THCS đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho học sinh, nhất là với học sinh lớp 9. Nhà trường lưu ý đến phương tiện học sinh đến trường phải phù hợp với lứa tuổi và quy định về an toàn giao thông, văn hóa giao thông cổng trường...”, ông Thuận nhấn mạnh.
Đăng Chung - Đình Hậu