Hà Nội giải phóng và phát triển xứng tầm sứ mệnh thủ đô
Tròn 70 năm trước, đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên và sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả những binh chủng hợp thành chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử, tiến về Hà Nội.
Hai mươi vạn đồng bào thủ đô cùng hai mươi triệu đồng bào cả nước đạp qua gót sắt của thực dân xâm lược, đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm, dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ, cả dân tộc ngập trong niềm vui giải phóng.
Thủ đô Hà Nội giải phóng!
Ngày vinh quang ấy, không chỉ là niềm vui riêng của thủ đô mà còn là một ngày hội lớn của dân tộc, của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và sự chia vui của bạn bè quốc tế, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Ngày vẻ vang ấy, không chỉ là mốc son chói lọi của thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử vô giá tiếp tục trên con đường độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội và phát triển mới của đất nước, khởi đầu một thời kỳ dân tộc “rũ bùn”, vươn dậy nhịp bước cùng nhân loại trong thế kỷ XX và XXI.
***
Hà Nội vừa giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhưng lại cùng cả nước bắt đầu cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước suốt 21 năm (1954-1975).
Với vị thế thủ đô, Hà Nội vừa quyết liệt khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc vừa đi đầu trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố trên cả nước đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của Hiệp định Paris, chấm dứt 115 năm chiếm đóng của quân đội thực dân, đế quốc trên đất nước ta. Hà Nội là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện, đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Hiện nay, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.300 USD, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 55 tỷ USD, đóng góp 16% GDP và 19% tổng thu ngân sách của cả nước. Các giá trị văn hóa được phát huy, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng vươn lên của mỗi người dân thủ đô. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Hà Nội định vị trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế với những danh xưng cao quý: Hà Nội văn hiến và anh hùng, niềm tin và hy vọng; "Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, “Thủ đô anh hùng”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Và, Thủ đô Hà Nội rạng rỡ 3 lần vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng.
***
Trên nền tảng 70 năm giải phóng trong hơn một ngàn năm sứ mệnh đế đô, với tầm nhìn mới, khát vọng mới, Hà Nội xây dựng thủ đô bản sắc, hiện đại và hội nhập, cùng cả nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Với sứ mệnh thủ đô, Hà Nội tiếp tục đi tiên phong trong giải phóng tầm nhìn, đổi mới tư duy phát triển, định vị chiến lược, với một tư thế mới, diện mạo mới và sức bật mới, khẳng định vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Phát huy lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, chủ động chuyển hướng chiến lược từ phát triển dựa chủ yếu vào tài nguyên sang phát triển dựa vào tri thức, năng lực trí tuệ của con người, xứng đáng với tầm vóc thủ đô văn hiến.
Trong tư cách là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Hà Nội tiếp tục xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời xứng đáng là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Với sứ mệnh thủ đô văn hiến, mỗi quyết sách của Hà Nội đều vì cả nước, vì sự ổn định chính trị - kinh tế - xã hội và danh dự, uy tín quốc gia. Do đó, Hà Nội hoạch định lộ trình phù hợp, lựa chọn và nắm lấy các khâu đột phá chiến lược, cải cách thể chế toàn diện, đồng bộ và hiệu quả. Trước mắt, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính công khai, minh bạch, thuận lợi; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, quản lý các cấp. Đồng thời, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là đẩy mạnh đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng kỹ thuật, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của đô thị, đáp ứng yêu cầu của đời sống nhân dân ngang tầm thủ đô của cả nước… Đây là thước đo sự phát triển bền vững, nhân văn, mang tầm văn hóa thủ đô, tự hào và kiêu hãnh người Hà Nội.
Trên nền mấy ngàn năm lịch sử, hàng ngàn năm đế đô, nhân lên sức mạnh của 70 năm giải phóng, Hà Nội xứng đáng là thủ đô văn hóa, lắng hồn sông núi ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Đó không chỉ là vị thế, sức mạnh và uy tín Thủ đô Hà Nội mà còn là vị thế, danh dự, uy tín và tỏa sáng Việt Nam.