Hà Nội: Giải quyết kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông

Sáng 16/11, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, về 'Công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội'.

Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Trần Hữu Bảo báo cáo tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề

Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Trần Hữu Bảo báo cáo tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề.

Cùng tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên.

Cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề là dịp để UBND TP báo cáo thông tin đến cử tri về những kết quả đạt được, những chủ trương, chính sách, và các quy định của pháp luật về quản lý giao thông đô thị. Đây cũng là điều kiện để Thường trực HĐND TP, các đại biểu HĐND TP lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân để tổng hợp, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời kiến nghị những giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giao thông đô thị trên địa bàn TP.

Phát hiện, xử lý kịp thời các điểm ùn tắc giao thông

Trình bày báo cáo về tình hình thực hiện quy định của pháp luật về quản lý giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, Phó giám đốc Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) Trần Hữu Bảo cho biết: Thực hiện chỉ đạo Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn TP Hà Nội, UBND TP đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, về quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tạm thời, trên địa bàn TP Hà Nội quy hoạch 13 bến xe khách liên tỉnh; 12 bến xe tải; và 1.620 bãi đỗ xe công cộng. Hiện có 5/13 bến xe khách liên tỉnh đang khai thác sử dụng; 5/12 bến xe tải đang khai thác hoạt động và đã được đầu tư; có 57/1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch đang khai thác sử dụng; 66/1.620 đang triển khai đầu tư và chưa có bãi đỗ xe trung chuyển P&R được hình thành theo quy hoạch.

Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề

Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề

Đối với việc cấp phép tạm thời sử dụng lòng đường, vỉa hè để tổ chức trông giữ phương tiện, tính đến 20/10/2023, Sở GT-VT đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ phương tiện cho 40 đơn vị tại 214 vị trí, với diện tích 37.985m2. UBND cấp huyện cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cho các tổ chức, cá nhân để trông giữ xe khoảng 422 điểm, với diện tích 93.300m2.

Theo đại diện Sở GT-VT, trong công tác tổ chức giao thông, từ đầu năm 2023 đến nay UBND TP đã chỉ đạo thành lập 4 tổ công tác liên ngành gồm Sở GT-VT, Công an TP và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập trong tổ chức giao thông và giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, các điểm đen về tai nạn giao thông. Kết quả đã thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông 44 tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn TP để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Xử lý được 11/37 điểm ùn tắc giao thông, còn lại 26 điểm. Đồng thời đã xác định 4 nhóm nguyên nhân gây ra 26 điểm ùn tắc giao thông hiện đang xử lý. Các điểm đen tai nạn giao thông đã được xử lý, năm 2022 xử lý dứt điểm 21 điểm, trong năm 2023 xử lý được 6/7 điểm...

UBND TP đã chỉ đạo lực lượng Công an, Thanh tra giao thông thường xuyên phối hợp tổ chức ứng trực, phân luồng, đảm bảo giao thông phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn Thủ đô. Huy động các lực lượng trên địa bàn phương tham gia điều tiết, phân luồng, giải tỏa ùn tắc giao thông tại các điểm ùn tắc giao thông…

Đại diện cử tri phát biểu, nêu ý kiến

Đại diện cử tri phát biểu, nêu ý kiến

Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới đáp ứng 8-10%

Tuy nhiên, số lượng phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP tính đến tháng 10/2023 là trên 7.880.136 phương tiện các loại, trong đó xe ô tô khoảng 1.107.982 xe, xe môtô khoảng 6.772.154 xe, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26-0,3%/năm) và diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%.

Bên cạnh đó, diện tích đất của TP dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại 90% nhu cầu đang đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng. Với tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện gây áp lực rất lớn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe…);

Cùng với đó, việc thiếu các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe trên địa bàn (đặc biệt là trong khu vực Vành đai 3) và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân là một thực tế hiện nay đối với Thành phố Hà Nội. Việc tạm thời sử dụng một phần hè phố, lòng đường làm nơi trông giữ xe hiện nay chỉ là phương án, giải pháp tạm thời để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân trong khi các bãi đỗ xe chưa được đầu tư theo quy hoạch.

Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục rà soát Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông ưu tiên đầu tư bến xe, bãi đỗ xe theo quy hoạch đảm bảo tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt 12%-15%. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có...

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri đã nêu một số ý kiến, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý giao thông, bãi đỗ xe, lòng đường vỉa hè. Đại diện các cơ quan chức năng đã giải đáp, đưa ra phương hướng giải quyết những tồn tại, vướng mắc ở các lĩnh vực.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-giai-quyet-kip-thoi-cac-diem-den-ve-tai-nan-giao-thong.html