Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ đóng góp bao nhiêu vào GDP cả nước vào năm 2030?
Mới đây, Ban Kinh tế TW, Ban Chỉ đạo tổng kết NQ54 về ĐBSH chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định tổ chức HT 'Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn 2045'.
Đến cuối năm 2021, quy mô GRDP của vùng đồng bằng sông Hồng gấp 1,82 lần năm 2016
Tại Hội thảo, TS.Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện ĐT&NC BIDV (Nhóm nghiên cứu) đã trình bày báo cáo về giải pháp phát triển nguồn lực tài chính cho phát triển KT-XH Vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm 11 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình) có tiềm năng, lợi thế vượt trội về tự nhiên, hạ tầng, xã hội, nguồn nhân lực và có vị thế đặc biệt quan trọng, là động lực dẫn dắt các vùng kinh tế khác và đóng góp hàng đầu cho kinh tế cả nước.
Cụ thể, tăng trưởng GRDP của toàn vùng bình quân giai đoạn 2016-2021 đạt 8,7%/năm, gấp 1,6 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước (5,43%), trong đó một số tỉnh, thành có tăng trưởng GRDP cao như Hải Phòng (bình quân 13,8%/năm); Quảng Ninh (10,7%), Hà Nam (10,8%).
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng GRDP của vùng vẫn đạt được mức trung bình 7,7%, gấp gần 3 lần tốc độ tăng của cả nước (2,58%), các tỉnh trong Vùng đều đạt tăng trưởng cao hơn cả nước, một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao kỷ lục như Hải Phòng (12,4%), Quảng Ninh (10,3%), Hà Nam (8,9%), Hải Dương (8,6%), Vĩnh Phúc (8,02%). Trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP của Vùng đạt 9,58%, cao hơn mức 6,42% của cả nước.
Quy mô GRDP của Vùng tính đến cuối năm 2021 đạt 2.571 nghìn tỷ đồng, gấp 1,82 lần năm 2016; đóng góp 30,6% GDP cả nước. Trong đó, riêng 3 đầu tàu Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đóng góp 19,4% GDP và dẫn đầu kinh tế toàn Vùng: Hà Nội (chiếm 41,5%), Hải Phòng (12,3%), Quảng Ninh (9,4%).
Bên cạnh đó thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao so với cả nước: GRDP bình quân/người năm 2021 trung bình của Vùng đạt 102,6 triệu đồng/người, gấp 1,2 lần so với mức GDP bình quân của cả nước (85,2 triệu đồng/người).
Trong đó, các tỉnh có thu nhập bình quân/người thuộc Top 10 cả nước là Quảng Ninh đạt 176 triệu đồng/người (dẫn đầu toàn Vùng và đứng thứ 2 cả nước), Bắc Ninh đạt 156 triệu đồng/người, Hải Phòng đạt 152 triệu đồng/người, Hà Nội đạt 128 triệu đồng/người , Vĩnh Phúc (105,5 triệu đồng/người).
Tuy nhiên, theo Nhóm nghiên cứu, bên cạnh một số kết quả đạt được, vùng ĐBSH vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, một số khó khăn về địa lý - xã hội của Vùng ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH nói chung và lĩnh vực tài chính - ngân hàng trên địa bàn như mật độ dân số cao, quy mô DN còn nhỏ; cơ sở hạ tầng KT-XH nói chung và hạ tầng tài chính - ngân hàng còn chưa đồng bộ…
Bên canh đó, hiệu quả vốn ngân sách còn hạn chế. Ví dụ, tỷ lệ chi chuyển nguồn từ năm trước sang năm sau còn cao. Cùng với đó, nhiều khoản chi kết dư, tồn đọng từ nhiều năm chưa được giải quyết triệt để đã và đang giảm hiệu quả chi ngân sách trong bối cảnh cân đối ngân sách còn khó khăn.
Chi đầu tư phát triển vẫn tăng chậm ở nhiều địa phương chủ yếu do tiến độ giải ngân đầu công chậm, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, xử lý vi phạm về đầu tư công... còn chưa thực sự được giải quyết triệt để và hiệu quả...
Bên cạnh đó, thu hút vốn FDI chưa tương xứng với tiềm năng của Vùng. Một số tỉnh thu hút đầu tư FDI thấp hơn so với lợi thế, chưa phát huy hiệu quả các chính sách ưu đãi (Quảng Ninh, Vĩnh Phúc chỉ chiếm 5-6% tổng FDI của Vùng)... Cùng với đó số liệu về giải ngân vốn FDI chưa được thống kê đầy đủ, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá chính xác tỷ trọng, mức đóng góp của vốn FDI trong các hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương.
Ngoài ra, quy mô của doanh nghiệp còn nhỏ, hoạt động kinh doanh còn khó khăn. Nhóm nghiên cứu đánh giá, mặc dù số lượng doanh nghiệp tương đối lớn so với các vùng và cả nước song quy mô doanh nghiệp nhỏ (hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ), vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn mức bình quân của cả nước...
Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp GRDP của Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ chiếm khoảng 25% GDP cả nước
Trên cơ sở tham khảo mục tiêu, định hướng tại QĐ 795/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể phát triển KTXH Vùng ĐBSH đến năm 2020 và bối cảnh mới của thế giới, Việt Nam và Vùng trong giai đoạn phát triển mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng Vùng ĐBSH thực sự là địa bàn tiên phong của cả nước trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, phát triển xanh.
Trong đó, mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP của Vùng ĐBSH sẽ đạt 11-12%/năm trong giai đoạn 2022-2025, và đạt 14-15%/năm trong giai đoạn 2030. Riêng 3 địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 13-15%/năm giai đoạn 2022-2025, và đạt 15-18%/năm giai đoạn 2026-2030.
Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu đề xuất mục tiêu đến cuối năm 2025, GRDP bình quân đầu người toàn Vùng ĐBSH đạt 4.500-5.500 USD/người/năm. Trong đó, GRDP bình quân đầu người của Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh đạt 8.000-9.000 USD/người/năm và tăng lên 10.000-12.000 USD/người/năm vào cuối năm 2030.
Về tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước, Vùng ĐBSH sẽ đóng góp 35-45% trong giai đoạn 2022-2025, và đóng góp 50-55% vào giai đoạn 2026-2030. Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ đóng góp 20-25% vào GDP cả nước trong giai đoạn 2022-2025, và đến năm 2030 sẽ đóng góp 25-30%.
Để đạt được những mục tiêu kể trên, Nhóm nghiên cứu đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, sớm hoàn thiện các quy hoạch quan trọng của Vùng. Thứ hai, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh; nâng tầm quy mô và hiệu quả thực chất của cơ chế liên kết Vùng để thu hút và phát triển các nguồn lực tài chính. Thứ ba, chú trọng phát triển doanh nghiệp hiệu quả, bền vững, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đối mới sáng tạo.
Thứ tư, tăng cường nguồn lực ngân sách địa phương. Thứ năm, phát triển hoạt động ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân vừa phù hợp với thế mạnh của Vùng vừa đảm bảo an toàn, lành mạnh. Thứ sáu, tăng cường chuyển đổi số và phát triển tài chính xanh.