Hà Nội hạn chế ùn tắc kéo dài trên 30 phút
Trong năm 2025, thành phố sẽ tập trung giải quyết 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên 30 phút và kịp thời xử lý những điểm có nguy có phát sinh mới.
Làm nghề tài xế công nghệ tại Hà Nội nhiều năm nay, nhưng mỗi lần ra đường trong khung giờ cao điểm, anh Hoàng Văn Tiệp (Thanh Xuân) vẫn luôn ngán ngẩm bởi cảnh ùn tắc. “Khách đôi khi không chờ được thời gian tài xế di chuyển đến đón từ 10-15 phút. Đường tắc quá, khách chờ lâu thì họ sẽ hủy, cũng ảnh hưởng đến thu nhập của mình", anh Tiệp nói.
Ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân, song một nguyên nhân chính vẫn là sự gia tăng mật độ dân số và tốc độ tăng phương tiện cá nhân. Theo thống kê trong năm 2024, thành phố Hà Nội đã có khoảng hơn 300.000 xe đăng ký mới, số lượng xe hiện đã lên đến hơn 8,1 triệu phuơng tiện. Điều này đang là thách thức đối với hạ tầng giao thông của Thủ đô và việc xóa bỏ các điểm ùn tắc giao thông.
Trong năm 2025, thành phố sẽ tập trung giải quyết 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên 30 phút và kịp thời xử lý những điểm có nguy có phát sinh mới.
Theo ông Khương Kim Tạo, chuyên gia giao thông, vấn đề ùn tắc giao thông là vấn nạn của các thành phố lớn. So với nhiều thành phố khác, Hà Nội không tắc hơn. Nhưng nếu nhìn xa trông rộng, đi trước đón đầu, vấn nạn ùn tắc giao thông có thể giảm đến mức tối thiểu.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện còn 36 điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Nhằm từng bước giải quyết nguy cơ ùn tắc giao thông trong hiện tại và tương lai, nhất là giai đoạn 2025-2030, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã xây dựng 10 nhóm giải pháp lâu dài. Ngoài ra, đề xuất 4 nhóm giải pháp triển khai ngay trong giai đoạn trước mắt.
4 nhóm giải pháp giải quyết nguy cơ ùn tắc giao thông:
Thứ nhất, tập trung tối ưu hóa hạ tầng giao thông hiện tại; khẩn trương rà soát toàn bộ công tác tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố để kịp thời có giải pháp điều chỉnh phù hợp; đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án hạ tầng giao thông đang triển khai.
Thứ hai, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, từ đó góp phần thay đổi thói quen tham gia giao thông; khuyến khích các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc từ xa hoặc thay đổi giờ làm việc.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý các khu vực cổng trường học, bệnh viện, những địa điểm thường xuyên tập trung mật độ giao thông cao; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm dừng đỗ trái quy định, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè gây mất an toàn giao thông.
Thứ tư, khắc phục nhanh các sự cố giao thông, ảnh hưởng của mưa bão gây ra tình trạng ngập úng cục bộ.
Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo đánh giá: “Giải quyết bài toán giao thông như một mạch máu cơ thể, chúng ta phải thông suốt toàn bộ mạch máu. Về mặt tổng thể, chúng ta phải nghiên cứu rất bản chất và có tác động qua lại. Việc quy hoạch không còn con đường nào khác là ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu hóa năng lực thông hành của xe để thông thoát hơn với điều kiện hạ tầng hiện có”.
Sau khi Nghị định 168 đi vào cuộc sống, việc định hình ý thức tham gia giao thông của người dân đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cũng cần tăng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại cho người dân, qua đó từng bước tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân. Có như vậy, ùn tắc mới được kéo giảm bền vững.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ha-noi-han-che-un-tac-keo-dai-tren-30-phut-302614.htm