Hà Nội: Hàng chục hộ sản xuất tự tháo dỡ xưởng mộc trên đất nông nghiệp
Thay vì để chính quyền cưỡng chế, hàng chục hộ dân xã Liên Hà đang tự tháo dỡ xưởng mộc trên đất nông nghiệp, di chuyển máy móc, hàng hóa để hạn chế tối đa thiệt hại...
Các làng nghề ở huyện Đan Phượng, Hà Nội những ngày cuối năm này nhộn nhịp xe cộ, người ra vào tấp nập. Nhưng đó không chỉ là câu chuyện vui của mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm, mà còn có phần là hoạt động cưỡng chế xưởng mộc trên đất nông nghiệp, vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay ở huyện ngoại thành Thủ đô.
Một trong những địa bàn có nhiều trường hợp vi phạm là xã Liên Hà với hơn 127 hộ dân, gần 200 lán xưởng làm nghề mộc, với tổng diện tích vi phạm khoảng 7 ha.
Tự tháo dỡ
Theo tìm hiểu của PLO, tình trạng các hộ sản xuất dựng xưởng mộc trên đất nông nghiệp ở xã Liên Hà đã diễn ra cả chục năm nay, đặc biệt tại khu Trũng Phan.
Ông Đinh Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố và UBND huyện Đan Phượng, từ mấy năm nay, xã đã kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân dừng việc xây dựng xưởng mộc trên đất nông nghiệp. Còn lỡ làm rồi thì chủ động tháo dỡ.
Sau những vận động như vậy, huyện thông báo triển khai cưỡng chế đợt đầu với 31 hộ dân, vào tháng 11-2023 ở khu Khoải và khu Bờ Hồ. Đến nước này, đa số hộ sản xuất chấp hành, tự tháo dỡ công trình, vận chuyển máy móc thiết bị, vật tư sản xuất ra khỏi khu vực đất nông nghiệp. Nhờ vậy, chính quyền không phải dùng lực lượng chức năng. Quan hệ chính quyền với những người dân vốn chăm chỉ làm ăn khỏi bị căng thẳng.
Theo cách này, ông Thành cho hay xã Liên Hà và các lực lượng của huyện Đan Phượng sẽ triển khai ba đợt cưỡng chế nữa, với 140 hộ, bắt đầu từ ngày mai, 5-1.
Gọi là đợt cưỡng chế, nhưng các lực lượng chức năng vẫn sẽ ưu tiên tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân về máy móc để tháo dỡ xưởng. Người dân tự tháo dỡ được là tốt nhất, vì như vậy sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại máy móc, thiết bị, vật tư làng nghề.
Ngày 3-1, phóng viên có mặt tại xưởng sản xuất của ông Nguyễn Ánh Sao, ở khu Phan. Lẽ ra những ngày cuối năm này là cao điểm sản xuất, gỡ gạc cho cả năm 2023 khó khăn, nhưng ông Sao cùng người thân đang tự tháo dỡ lán xưởng rộng khoảng 300 mét của gia đình.
Ông Sao cho hay việc gia đình mình dựng xưởng mộc trên đất nông nghiệp là sai. Nhưng sai này có nhiều nguyên nhân khách quan. Vậy nên sau nhiều lần chính quyền vận động, nay gia đình quyết định tự tháo dỡ, di dời hàng hóa.
"Chính quyền cũng có biện pháp của họ, cắt điện từ mấy ngày trước, nên muốn sản xuất cũng chẳng được. Vậy thì mình chủ động tháo dỡ, thu xếp để ổn định dịp giáp Tết" - ông Sao nói.
Cách đó không xa, xưởng mộc của anh Nguyễn Văn Điệp cũng đang khẩn trương hạ mái tôn, khung sắt. Người đàn ông này vừa vắt vẻo trên mái dùng máy cắt sắt vừa chỉ đạo người bên dưới dọn dẹp, tận dụng mái tôn cũ để dùng sau này khi cần.
Khi thấy tổ tuyên truyền, vận động của xã Liên Hà đến, anh Điệp trèo xuống, than phiền một số khó khăn của nhà mình, chẳng hạn việc lượng hàng hóa trong xưởng đang còn rất nhiều, cần thêm thời gian di dời.
Theo thống kê, ở khu Phan có khoảng 10 hộ sản xuất thuộc diện phải cưỡng chế. Sát bên cạnh là khu Trũng Phan thì nhiều hơn với hàng chục hộ. Tại khu vực này, hôm nay xã Liên Hà vẫn tiến hành vận động, còn người dân xem ra cũng đang tính toán các phương án để tự tháo dỡ, thay vì để lực lượng chức năng ra tay.
Gấp rút xây dựng xưởng mới
Trước ngày xã Liên Hà thông báo cưỡng chế, một số hộ sản xuất đã chủ động dựng xưởng mới bên khu vực quy hoạch làng nghề mở rộng.
Khu này cách khu đất nông nghiệp mà người dân dựng xưởng nhiều năm nay vài trăm mét, diện tích tương đương với khu làng nghề cũ của xã Liên Hà, khoảng hơn 9 ha và hạ tầng giao thông khá thuận lợi.
Anh T, thợ làm sắt tại một xưởng đang xây dựng cho biết, anh nhận việc cách đây khoảng một tháng, đến nay đã dựng xong khung và mái, đang hoàn thiện các hạng mục còn lại, dự kiến sẽ xong trước Tết Nguyên đán.
Chủ xưởng này trước đây có thuê đất nông nghiệp tại khu vực vi phạm, nhưng vì cũng chủ động thuê, mua mặt bằng khu làng nghề mở rộng của xã, nên khi chính quyền làm căng là có thể dựng xưởng mới để chuyển máy móc, thiết bị từ nơi vi phạm về phục vụ công việc sau này.
Cũng trong khu vực làng nghề mới, một chủ xưởng khác cho biết mình có hơn 300m2 đất làng nghề, và đang gấp rút dựng xưởng mới. Dù vậy, mặt bằng chuẩn chỉnh này chỉ bằng phần ba khu xưởng trên đất nông nghiệp. "Cố gắng từ nay đến Tết sẽ chuyển sang xưởng mới để ổn định công việc", người này cho biết.
Cách đó không xa, một chủ xưởng khác cũng đang chỉ đạo công nhân dựng xưởng sản xuất trên diện vỏn vẹn 150 mét. Anh cho biết, thời điểm chính quyền đấu giá đất làng nghề mấy năm trước, anh chỉ xoay xở được tiền được vậy, nên diện tích này là quá nhỏ so với nhu cầu sản xuất của gia đình. Tuy nhiên, trước mắt không thuê được mặt bằng và không có nơi để hàng hóa, máy móc nên phải gấp rút dựng xưởng để tiếp tục làm ăn.
Câu chuyện người dân các làng nghề ở huyện Đan Phượng nói riêng và cả tỉnh Hà Tây cũ nói chung dựng xưởng trên đất nông nghiệp bỏ hoang, vi phạm pháp luật về xây dựng không phải là vấn đề mới.
Tuy nhiên, giải bài toán này như thế nào hợp tình hợp lý, trong thực tế người dân đã bỏ nghề nông để sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhiều năm qua, vẫn là vấn đề nóng hổi của cả chính quyền cũng như các hộ làng nghề. PLO đang ghi nhận thực tế và thông tin trong các bài viết tiếp theo...