Hà Nội: Hàng nghìn trẻ được tiêm trong ngày đầu tiên của Chiến dịch tiêm vaccine sởi
Từ ngày 14/10, Hà Nội bắt đầu triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi. Hàng nghìn trẻ từ 1-5 tuổi, đã được cha mẹ đưa đến các điểm tiêm chủng để tiêm vaccine, tăng cường miễn dịch phòng bệnh.
Người dân tích cực hưởng ứng chiến dịch
Tại điểm tiêm chủng Trạm y tế xã Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội), từ sáng sớm, phụ huynh đã xếp hàng dài chờ tiêm cho con.
Trạm y tế đã bố trí đầy đủ ghế ngồi, phân chia khu vực tiếp đón, khám và tư vấn, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm... để tránh ùn ứ.
Chị Nguyễn Thanh Huyền, ở xã Di Trạch, đưa con đi tiêm, cho biết: “Con tôi đã 5 tuổi, nhưng mới tiêm 1 mũi vaccine sởi, nên khi nhận được thông báo tiêm bổ sung, tôi cho cháu đến tiêm ngay. Nhà trường có thông báo đến tận mỗi gia đình, theo danh sách các cháu có đủ điều kiện để tiêm, con tôi cũng cần tiêm đợt này. Theo lịch của Trạm y tế, tôi đưa còn đến trạm sớm để được tiêm luôn, tránh quá tải. Tôi thấy, nếu được tiêm đầy đủ 2 mũi, sẽ không bị mắc bệnh sởi, vì con lớn của tôi năm nay đã 9 tuổi, cháu được tiêm 2 mũi đầy đủ và không bị mắc bệnh. Bệnh sởi nguy hiểm, con được tiêm bổ sung đợt này cũng yên tâm hơn”.
Nhận được thông tin qua rà soát của trường học, chị Nguyễn Thanh Loan (xã Di Trạch) cũng đưa con trai 4 tuổi đi tiêm ngay mũi vaccine phòng sởi.
“Con tôi mới tiêm được 1 mũi phòng sởi năm 2021; sau đó bị giãn cách vì dịch bệnh, tôi chưa cho cháu đi tiêm đầy đủ. Nhận được thông tin dịch sởi ở nhiều nơi, nguy hiểm, Nhà nước có chiến dịch tiêm miễn phí cho các cháu, nên tôi tranh thủ cho con đi tiêm ngay để được phòng bệnh", chị Nguyễn Thanh Loan chia sẻ.
Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm y tế xã Di Trạch, ông Nguyễn Đình Hùng, cho biết: “Trong ngày đầu chiến dịch, chúng tôi dự kiến tiêm cho khoảng 120 trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng. Tất cả các trẻ đã có giấy thông báo khi ra trạm được tiêm chủng đầy đủ, còn các cháu có chống chỉ định, hoặc phải hoãn tiêm, sẽ được bố trí tiêm ghép vào ngày khác, khi có đủ sức khỏe”.
Ngay khi nhận được kế hoạch về Chiến dịch tiêm vaccine sởi, Trạm y tế Di Trạch đã tham mưu cho ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu của xã, xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng tại trạm y tế. Trạm đã huy động toàn bộ nhân lực để phục vụ cho buổi tiêm chủng; đồng thời, bố trí 1 tổ cấp cứu để đáp ứng các tình huống phát sinh trong buổi tiêm.
Còn tại điểm tiêm Trường Mầm non An Khánh A (thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức), công tác tiêm bổ sung vaccine Sởi-Rubela cũng được chuẩn bị chu đáo, từ khâu rà soát đối tượng, chuẩn bị nhân lực, chuẩn bị vaccine, đến các điều kiện về trang thiết bị và cơ sở vật chất, đảm bảo cho buổi tiêm chủng diễn ra an toàn, thuận lợi.
Tại điểm tiêm, từ 6 giờ sáng đã có các phụ huynh đưa trẻ đến tiêm mũi sởi miễn phí.
Chưa từng mắc bệnh sởi, bé Bùi Bảo Ngọc (3,5 tuổi, ở xã An Khánh) được mẹ cho đi tiêm mũi 2 vì lo lắng khi Hà Nội đã có các ca mắc sởi.
“Nhà tôi thường tiêm vaccine dịch vụ cho cháu, tuy nhiên, cháu mới chỉ tiêm được mũi 1 vaccine sởi, nên lần này trạm y tế hỗ trợ tiêm miễn phí, tôi đưa cháu đi tiêm mũi 2. Các cháu được tiêm vaccine sẽ an toàn hơn trước dịch bệnh, gia đình cám ơn sự quan tâm của ngành Y tế đối với sức khỏe trẻ em”, mẹ bé Bùi Bảo Ngọc chia sẻ.
Theo đại diện Trạm y tế xã An Khánh, số trẻ được tiêm chủng của xã đợt này khá đông, với 677 trẻ. Công tác chuẩn bị được tổ chức chu đáo, bao gồm việc rà soát đối tượng, tổ chức họp bàn và tập huấn chuyên môn cho các cán bộ liên quan. Có tới 100 nhân lực được huy động tham gia hỗ trợ cho chiến dịch tiêm đợt này. Trong đó, trạm y tế có 12 người, lực lượng thôn có 10 người, đoàn từ trung tâm y tế huyện có 20 người và 30 giáo viên, nhân viên từ nhà trường. Bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ từ đoàn thanh niên và lực lượng an ninh, nhằm đảm bảo quá trình tiêm chủng diễn ra thuận lợi, an toàn và hiệu quả.
Bà Hoàng Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: “Trong ngày đầu ra quân Chiến dịch tiêm vaccine sởi của Hà Nội, Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức tổ chức tiêm đồng loạt tại 20/20 trạm y tế xã, thị trấn và trường học. Dự kiến, khoảng 2.500 trẻ sẽ được tiêm trong ngày hôm nay. Đối với các điểm tiêm có số lượng trẻ đến tiêm ít, chúng tôi có nguồn nhân lực tại chỗ, tại các trạm y tế. Còn tại các điểm tiêm nhiều như điểm tiêm xã An Khánh phải bố trí 5 dây chuyền tiêm để hỗ trợ cho xã, kèm theo 1 tổ cấp cứu xử lý sự cố sau tiêm tại chỗ khi cần thiết”.
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, ngay trong ngày đầu tiên diễn ra Chiến dịch tiêm vaccine sởi, có 8 quận, huyện của Hà Nội đã triển khai tiêm chủng, gồm: Long Biên, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thường Tín, Đông Anh, Hoài Đức, Sơn Tây, Thạch Thất. Các địa phương còn lại sẽ triển khai tiêm chủng trong các ngày tiếp theo.
Qua rà soát, Hà Nội dự kiến có khoảng 70.000 đối tượng thuộc diện tiêm chủng là trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi theo quy định.
Đảm bảo an toàn tiêm chủng
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức, bà Hoàng Thị Thanh, các điểm tiêm đều có quy trình bảo quản vaccine đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, trước các buổi tiêm, Trung tâm Y tế đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, hộp thuốc chống sốc, bình ox, để chuẩn bị cho sự cố sau tiêm, với mục tiêu đảm bảo tiêm an toàn tuyệt đối cho các cháu. Đồng thời, ngành Y tế cũng tổ chức 2 buổi tập huấn, trong đó 1 buổi có sự tham gia của lãnh đạo huyện và lãnh đạo trung tâm y tế, cùng các phòng ban chức năng, để tập huấn cho UBND các xã, thị trấn, trạm trưởng y tế và nhân viên y tế.
Thực tế trong ngày đầu triển khai Chiến dịch, người dân hưởng ứng nhiệt tình, số trẻ được đưa đến các điểm tiêm khá đông theo giấy mời. Đại diện Sở Y tế Hà Nội đánh giá: Trong buổi tiêm đầu tiên, công tác tiếp đón, khám, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm được các điểm tiêm thực hiện nghiêm túc, bố trí hợp lý, quy trình một chiều. Trước đó, toàn bộ đối tượng trong diện tiêm chủng được lập danh sách cụ thể và thông báo đầy đủ thời gian, địa điểm tiêm. Cán bộ y tế tham gia tiêm chủng được hướng dẫn, tập huấn về chuyên môn kỹ thuật; công tác tuyên truyền được thực hiện với nội dung và hình thức phong phú đến từng người dân, gia đình và nhà trường trên địa bàn.
Để đảm bảo số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đợt này, đối với trẻ đi học, ngành Y tế đã tiến hành rà soát qua nhà trường và các cháu ở nhà qua đội ngũ y tế thôn. Kể cả với những trẻ vãng lai, sinh sống tại các địa bàn khác cũng sẽ nắm được tình hình để thông báo cho cha mẹ đưa con em đi tiêm. Mục tiêu là không bỏ sót các trẻ trong diện tiêm chủng.
Việc triển khai đồng loạt tiêm vaccine sởi cho trẻ nhỏ không chỉ giúp trẻ có hàng rào miễn dịch phòng bệnh, mà còn ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm chung trong việc tạo ra miễn dịch cộng đồng.