Hà Nội: Hàng triệu học sinh hân hoan dự lễ khai giảng năm học mới 2023-2024
Sáng 5/9, hàng triệu học sinh các trường học trên địa bàn TP Hà Nội long trọng tổ chức khai giảng năm học mới 2023 - 2024.
Sáng nay (5/9), hòa trong không khí cả nước tưng bừng đón chào năm học mới, các học sinh của nhiều trường học trên địa bàn TP Hà Nội cũng đồng loạt tổ chức Lễ khai giảng năm học (2023 - 2024).
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, lễ khai giảng được các trường tổ chức gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Sau khai giảng, các trường cần duy trì nề nếp hát Quốc ca trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, lễ kỷ niệm, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng...
Lễ khai giảng năm nay nhiều trường học trên cả nước đã sáng tạo ra nhiều hoạt động mới lạ. Với tinh thần lấy học trò làm chủ thể của buổi lễ, tạo cho các em không khí vui tươi, phấn khởi để lưu lại những ký ức đẹp về lễ khai giảng của một thời áo trắng.
Chia sẻ niềm vui trong ngày khai giảng năm học mới, chị Lan Anh (có con vào lớp 1, Trường tiểu học Phú Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nói: "Năm nay tôi có con vào lớp 1. Trước ngày khai giảng, con tôi đã được đến trường làm quen với cô giáo, bạn mới. Sáng nay, cháu dậy từ rất sớm, háo hức, chuẩn bị rất kỹ từ trang phục đến cặp sách đồ dùng học tập để đến trường. Nhìn con vui, tôi cũng rất vui".
Chị Hải Thanh có con học lớp 6 (Trường THCS Phú Diễn A, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho hay: "Năm nay con tôi vào lớp 6. Được dự lễ khai giảng tại ngôi trường mới, cháu rất háo hức. Cháu đến trường từ rất sớm để chuẩn bị lễ khai giảng cùng với thầy cô và các bạn".
Theo Bộ GD&ĐT, cả nước tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2023. Kết thúc học kỳ I trước ngày 15/1/2024, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2024 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2024.
Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6/2024. Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7/2024.
Thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi cấp quốc gia theo quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, các địa phương xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các địa phương theo nguyên tắc: Kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học.
Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần). Đối với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục THCS và THPT): Đối với lớp 9 cấp THCS và lớp 12 cấp THPT có 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có 16 tuần). Đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp THCS và lớp 10, lớp 11 cấp THPT có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).
Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương. Các ngày nghỉ lễ, Tết được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.
Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương. Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.