Hà Nội hậu giãn cách xã hội - Kỳ 2: Học sinh mầm non, tiểu học rộn ràng ngày trở lại trường
Ngày 11-5, học sinh các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội chính thức đi học trở lại sau hơn 3 tháng nghỉ học vì dịch Covid-19. Dù tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực song việc chuẩn bị phương án tổ chức đón trẻ trở lại trường học được các trường đặc biệt chú ý.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số trường mầm non, tiểu học công lập và ngoài công lập sẽ đón trẻ trong ngày 11-5 là gần 1.900 trường.
Trước đó, chiều 10-5, các đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các đoàn kiểm tra của 30 phòng GD&ĐT tiếp tục rà soát, kiểm tra tại cơ sở để tiếp tục hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện phương án tổ chức dạy học, chăm sóc học sinh chu đáo nhất, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tất cả các thành viên trong nhà trường, đồng thời bảo đảm tiến độ kết thúc năm học vào trước ngày 15-7-2020 theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Phương án chung được các trường thực hiện là linh hoạt trong tổ chức dạy học, đồng thời vẫn phải thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh tại trường học.
Có mặt tại một số trường học mầm non và tiểu học tại quận Long Biên, PV ghi nhận các bậc phụ huynh và học sinh thực hiện tốt quy định đeo khẩu trang. Trước khi vào trường, lớp, cả phụ huynh và các bé đều được đo thân nhiệt, sát khuẩn cẩn thận.
Theo phương án đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ vì dịch Covid-19 của Trường Mầm non Tràng An, (phường Giang Biên, quận Long Biên), nhà trường chỉ đón trẻ có sức khỏe bình thường, không nhận trẻ ốm hoặc có các triệu trứng ho, sốt, mệt mỏi, khó thở hay có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với F1, F2 đang trong thời gian cách ly y tế.
100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường, phụ huynh, học sinh, khách đến liên hệ công tác,.. phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt trước khi vào trường. Trẻ mang theo 1 -2 khẩu trang dự phòng, được ghi rõ tên học sinh. Trong lớp học trẻ không phải đeo khẩu trang nhưng sẽ phải đeo khi ra ngoài hoạt động vui chơi.
"Bé nhà tôi học lớp 1. Từ sáng sớm cháu đã dậy sớm chuẩn bị quần áo, sách vở, ăn uống rồi giục bố chở đến trường. Chúng tôi rất yên tâm khi nhà trường có phương án đón các cháu rất cẩn thận ngay từ cổng trường. Các cháu đều đeo khẩu trang, được xếp hàng đo thân nhiệt trước khi vào trường", ông Nguyễn Bá Mạnh (phường Giang Biên, quận Long Biên) cho biết.
Chị Hoàng Thị Hồng có con đang học tại Trường Mầm non Tràng An (phường Giang Biên, Long Biên) chia sẻ: "Từ hôm có thông báo đi học trở lại, cháu nhà tôi rất háo hức. Đến trường nhìn các cô giáo vệ sinh trường lớp sạch sẽ, cốc chén cho các con được luộc, khăn được hấp kỹ, ngay từ cổng trường các cháu đã được chào đón, tặng kẹo, đến cửa lớp các con lại được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn cẩn thận nên chúng tôi cảm thấy rất yên tâm".
Việc học sinh các cấp học được quay trở lại trường học sau hơn 3 tháng nghỉ học vì dịch Covid-19 đã cho thấy những nỗ lực, cố gắng của Nhà nước, Chính phủ và nhân dân trong cuộc chiến khốc liệt với đại dịch nguy hiểm này.
Dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát rất tốt. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đánh giá Việt Nam là một trong những đất nước thực hiện tốt nhất công cuộc chống dịch. Kể từ ngày 16-4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới tại cộng đồng, không có ca tử vong, các bệnh nhân bị nhiễm đang được tích cực điều trị. Do đó, nguy cơ xuất hiện các trường hợp dương tính tiềm ẩn trong cộng đồng là rất thấp.
Điều đó càng chứng minh các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch nhanh chóng, quyết liệt, xuyên suốt của Nhà nước và Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, góp phần quan trọng vào việc mang cuộc sống bình thường trở lại với người dân.
Thành công trong các giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 nhưng trên thế giới, tình bình dịch bệnh vẫn tiến triển phức tạp. Do đó, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan.
Hiện nay, cả nước vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24-4 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, không chủ quan, lơ là trước kết quả phòng chống địch đã đạt được. Các bộ ngành, địa phương đã bước đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế để dần đưa cuộc sống người dân thích nghi với tình trạng “bình thường mới”.
Với ngành giáo dục, ngày 7-5, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn số 1378/SGDĐT-CTTT về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong trường học.
Sở yêu cầu các trường trong TP thực hiện: Không sử dụng mũ, nón, trang phục có tấm chắn giọt bắn cá nhân trong lớp học; không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học; tiếp tục duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường về nhà.
Không áp dụng giãn cách trong lớp học. Hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp học với nhau và chỗ đông người. Được sử dụng điều hòa trong lớp học; cuối mỗi buổi học phải mở cửa phòng học tạo sự thông thoáng.
Các chuyên gia y tế nhận định độ tuổi mầm non, tiểu học, các bé chưa có ý thức cao trong việc vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vệ sinh đôi bàn tay. Vì vậy, các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo chính là những người sát sao, hướng dẫn cho các em cách đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn để phòng tránh bệnh.
Độ tuổi này cũng dễ bắt chước các hành động của người lớn nên cha mẹ, thầy cô phải là người gương mẫu cho các em trong việc đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân. Khi các em đã có thói quen tốt thì việc duy trì những việc này là điều khá dễ dàng.
Ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 hết, thói quen đeo khẩu trang tại nơi công cộng, trên đường đi, rửa tay với xà phòng, sát khuẩn khô vẫn nên duy trì để phòng chống các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa.
Tự giác đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, rửa tay với xà phòng, tránh tụ tập nơi đông người không chỉ là biện pháp hiệu quả để phòng chống dịch Covid-19 mà còn thể hiện ý thức tự giác, là lối ứng xử văn minh, thanh lịch trong điều kiện cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng cùng chung tay chống dịch.
Người lớn gương mẫu, trẻ em noi theo chính là cách tuyên truyền, giáo dục hiệu quả cho các thế hệ trẻ, giúp các em trở thành những công dân tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.