Hà Nội: Hiện thực hóa mục tiêu biến rác thành tài nguyên

3 tháng qua, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đã sản sinh điện phục vụ sản xuất từ rác thải, góp phần hiện thực hóa mục tiêu biến rác thành tài nguyên của Thành phố Hà Nội.

Giai đoạn 1 xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày

Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất Việt Nam tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã chính thức hòa lưới điện quốc gia, vận hành giai đoạn 1 vào ngày 25/7/2022.

Sau 3 tháng chính thức hòa điện lưới quốc gia khoảng 3 tháng, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý chẳng những xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày của Hà Nội, mà còn sản sinh được 15 MW/giờ điện phục vụ cho công tác sản xuất.

Giai đoạn 1, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày của Hà Nội.

Giai đoạn 1, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày của Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Tổng Giám đốc Phát triển thị trường tại Đông Nam Á của Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý, đơn vị vận hành nhà máy cho hay, hiện nay Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đang vận hành giai đoạn 1 và đến đầu tháng 11 sẽ vận hành giai đoạn 2. Trong giai đoạn 2, nhà máy sẽ hoạt động thêm 2 lò đốt và 1 tổ máy, với công suất là khoảng 3.000 tấn rác/giờ, dự kiến sẽ sản sinh được 45 MW điện mỗi giờ.

Giai đoạn 3 sẽ vận hành vào cuối tháng 12.

Hiện nay, Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý đã hoàn thành đầy đủ thủ tục của giai đoạn 2, hiện giờ đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, nhà máy đã phát hòa lưới điện quốc gia khoảng 3 tháng nay nhưng chưa được bán thương mại. Việc này ảnh hưởng lớn đến tài chính của doanh nghiệp, do tổng mức đầu tư của nhà máy tương đối lớn.

Cùng với đó, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đang trả lương cho khoảng 160 công nhân và kỹ sư. Cùng với đó, nhiên liệu chạy máy móc, hóa chất để xử lý cho công nghệ đốt rác rất tốn kém. Tuy nhiên, suốt 3 tháng hoạt động doanh nghiệp vẫn chưa có nguồn thu.

Năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn, với nguồn vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.

Tổng công suất của nhà máy sẽ xử lý được 5.000 tấn rác/ngày; giải quyết được từ 60-70% lượng rác đang chôn lấp của Thành phố Hà Nội hiện nay. Đây được xem là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam với công suất 4.000 tấn rác khô, tương đương gần 5.000 tấn rác tươi mỗi ngày.

Giải quyết vấn đề chất thải rắn nhức nhối

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày Hà Nội đang phát sinh từ 6.500 - 7.000 tấn rác/ngày, vấn đề ùn đọng rác thải đang gây nhức nhối với người dân.

Bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sau hàng chục năm được sử dụng mấy năm nay đã rơi vào tình trạng quá tải, thiếu nơi chôn lấp, lưu chứa nước rỉ rác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các sự cố môi trường.

Trong tháng 5 và tháng 6/2022, rác thải đã nhiều lần ùn ứ tại trung tâm thành phố do bãi tiếp nhận rác ở Nam Sơn (Sóc Sơn) quá tải.

Đến nay, nhờ sự vận hành của Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, vấn đề ở bãi rác Nam Sơn đang từng bước được giải quyết tích cực.

Để giải quyết vấn đề rác thải rắn, ngày 30/3/2022, Thành phố Hà Nội và Tập đoàn AMACCAO đã khởi công xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý Chất thải rắn Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội.

Mô phỏng Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý Chất thải rắn Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội.

Mô phỏng Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý Chất thải rắn Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội.

Đây là dự án xử lý điện rác thứ hai ở Hà Nội, cũng là dự án đầu tiên sử dụng công nghệ lò ghi cơ học vừa đốt rác, vừa phát điện do chính doanh nghiệp Việt đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, Nhà máy điện rác Seraphin là một trong những dự án quan trọng của Thành phố Hà Nội, có công suất xử lý 1.500 tấn rác khô/ngày, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng. Với công suất đó, Nhà máy sẽ giúp giảm tỷ lệ chôn lấp rác của Thành phố từ 100% xuống 3%.

Nhà máy điện rác Seraphin khi đưa vào vận hành cơ bản sẽ xử lý rác trên địa bàn Thành phố theo hướng đốt rác phát điện thay cho chôn lấp, coi chất thải là tài nguyên, vì một thành phố xanh sạch đẹp hơn.

“Chủ đầu tư cam kết hoàn thành Nhà máy điện rác Seraphin sau 18 tháng. Nếu đưa vào vận hành sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu hiện nay”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nói.

Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2014, Thành phố Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn, với diện tích 430ha và 6 trạm trung chuyển diện tích 10ha, 29 bãi chôn lấp phế thải xây dựng và bùn thải… Rác thải sẽ được tập kết và xử lý theo công nghệ tiên tiến (đốt, tái chế) đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế việc chôn lấp nhằm giảm sử dụng đất.

Quy hoạch xác định vị trí xử lý rác theo 3 vùng: Vùng 1 gồm đô thị nội đô lịch sử; từ vành đai 2 đến sông Nhuệ và khu vực phía Bắc, chất thải sẽ được tập kết và xử lý tại các khu xử lý Nam Sơn, Việt Hùng, Kiêu Kỵ, Phù Đổng, Cầu Diễn.

Vùng 2 gồm một phần chuỗi đô thị từ sông Nhuệ đến vành đai 4 và các huyện phía nam thành phố. Rác sẽ được xử lý tại các khu Cao Dương, Châu Can, Mỹ Thành, Hợp Thanh, Vân Đình, Đông Lỗ.

Vùng 3 gồm một phần chuỗi đô thị từ sông Nhuệ đến vành đai 4 và các huyện phía tây, thị xã Sơn Tây. Rác thải vùng này được xử lý tại các khu Đồng Ké, Núi Thoong, Lại Thượng, Đan Phượng, Xuân Sơn, Tiến Sơn.

Sau 3 tháng vận hành của Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, có thể thấy rõ, vấn đề ở bãi rác Nam Sơn đang từng bước được giải quyết tích cực. Trong tương lai, khi Nhà máy điện rác Seraphin vận hành, vấn đề xử lý chất thải rắn của Thủ đô sẽ được khắc phục tốt hơn nữa, đồng thời, góp phần hiện thực hóa mục tiêu biến rác thành tài nguyên của Thành phố Hà Nội.

Hạnh Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-hien-thuc-hoa-muc-tieu-bien-rac-thanh-tai-nguyen-d176668.html