Hà Nội hỗ trợ nông dân đưa giống mới vào sản xuất
Vụ đông xuân 2024-2025, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ nông dân đưa các giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất, đặc biệt là giống khoai tây cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng phối hợp với doanh nghiệp tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm khoai tây cho nông dân khi vào vụ thu hoạch.
Hiệu quả kinh tế cao
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) Trần Ngọc Liên cho biết, vụ đông xuân 2024-2025, hợp tác xã gieo trồng 15ha khoai tây giống Julinka (khoai tây ăn tươi). Nhìn chung, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao (5 tạ/sào) với giá bán hiện nay hơn 8.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân có thể thu lãi hơn 2 triệu đồng/sào.
Vụ đông xuân năm 2024-2025, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) xây dựng mô hình trình diễn khoai tây giống mới có năng suất và chất lượng thích ứng biến đổi khí hậu. Mô hình có quy mô 85ha, thực hiện trên 2 giống khoai tây mới là Julinka và Atlantic (trong đó gồm 55ha giống Julinka dùng cho ăn tươi; 30ha giống Atlantic dùng cho chế biến triển khai tại 4 điểm của 4 huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Theo đó, các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% lượng giống, 50% khối lượng vật tư, phân bón. Từ thực tế kiểm tra, giám sát của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện và Phòng Khuyến nông trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) cho thấy, vật tư, phân bón hỗ trợ và đối ứng đều bảo đảm đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn chất lượng, đúng thời gian, bảo đảm kịp thời vụ.
Qua theo dõi đến nay, các điểm mô hình trồng khoai tây sinh trưởng, phát triển tốt, đang ở thời kỳ phát triển củ. Dự kiến thời gian thu hoạch như sau: Với các điểm trồng giống Julinka, thời gian sinh trưởng 85-90 ngày sẽ cho thu hoạch vào trung tuần tháng 1-2025 (trước Tết Nguyên đán 2025); với các điểm trồng giống Alantic, thời gian sinh trưởng 95-100 ngày sẽ cho thu hoạch vào cuối tháng 1 đến đầu tháng 2-2025 (trước và sau Tết Nguyên đán 2025).
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân, qua đánh giá cho thấy, cả 2 giống khoai tây Atlantic và Julinka đều cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Dự kiến, giống Atlantic năng suất đạt 22,7 tấn/ha, tỷ lệ củ loại 1 chiếm 85%, hiệu quả kinh tế đạt 81,5 triệu đồng/ha; giống Julinka dự kiến năng suất đạt 23,3 tấn/ha, tỷ lệ củ loại 1 chiếm 71,4%, hiệu quả kinh tế đạt 82,6 triệu đồng/ha. Trồng hai giống khoai tây này cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng ngô và đậu tương vụ đông. Ngoài ra, 2 giống khoai tây Atlantic và Julinka có nhiều ưu điểm là củ đồng đều, nhẵn bóng, mắt nông, tỷ lệ củ loại 1 cao. Trong đó, giống Julinka có vỏ và ruột củ màu vàng, hàm lượng tinh bột cao, phù hợp thị hiếu tiêu dùng sản phẩm tươi; giống Atlantic củ tròn, vỏ và ruột trắng, hàm lượng chất khô cao, phù hợp công nghiệp chế biến nên dễ thương mại hóa…
“Trồng khoai tây vụ đông không chịu áp lực thời vụ, mặt khác còn tận dụng tối đa nguồn rơm rạ sau thu hoạch làm phân bón bổ sung nguồn hữu cơ cho đất, tạo độ tơi xốp cho khoai tây phát triển. Sau thu hoạch củ, phần thân, lá trở thành phân hữu cơ, bồi thêm dinh dưỡng cho đất trồng lúa vụ xuân. Ngoài ra, trồng khoai tây còn góp phần mở rộng diện tích cây trồng vụ đông xuân, nâng hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị trên diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho người sản xuất; đồng thời tạo ra sản phẩm rau, củ an toàn, chất lượng tốt cung cấp cho thị trường Hà Nội, phục vụ công nghiệp chế biến”, ông Đoàn Đức Dân cho biết thêm.
Kết nối tiêu thụ nông sản
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc trồng khoai tây giống mới còn có khó khăn do thời tiết mùa đông năm nay khô hanh kéo dài khiến cây khoai tây sau trồng chậm mọc mầm, đồng thời đây là điều kiện thuận lợi cho một số loại côn trùng chích hút gây hại (nhện đỏ, bọ trĩ…). Ngoài ra, một số hộ dân chưa tuân thủ nghiêm quy trình, luống nhỏ, vun cao, bón phân chưa đủ quy trình nên phần nào ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng củ khoai thương phẩm. Với giống khoai tây chế biến Atlantic dễ tiêu thụ hơn, được doanh nghiệp ký kết bao tiêu ngay từ đầu vụ song thời gian sinh trưởng dài hơn, việc bố trí cơ cấu thời vụ gặp khó khăn, nhất là những nơi có tập quán gieo cấy vụ xuân sớm…
Để nhân rộng mô hình, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên mở các lớp tập huấn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho nông dân, nhất là áp dụng các giống khoai tây mới, có năng suất và chất lượng cao để không còn tình trạng bỏ ruộng hoang. Các hợp tác xã tập trung tuyên truyền để nông dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng khoai, từ khâu làm đất lên luống, kỹ thuật ủ củ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc tưới nước, phòng trừ sâu bệnh; bố trí thời vụ trồng phù hợp từng giống khoai để đạt năng suất và hiệu quả cao nhất; thu hoạch đúng thời điểm; tăng cường kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…
Liên quan vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương, hiện nay, mô hình trồng khoai tây giống mới Atlantic tại xã Tự Lập (huyện Mê Linh) được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ với giá 6.000-8.600 đồng/kg. Từ mối liên kết sản xuất - tiêu thụ này đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng “được mùa - mất giá”. Đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng để Sở NN&PTNT Hà Nội xem xét, bổ sung giống khoai tây Atlantic và Julinka vào cơ cấu giống khoai tây của thành phố, tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình ở những năm tiếp theo.
Cũng để nhân rộng mô hình, các địa phương, hợp tác xã cần tăng cường công tác tuyên truyền về các giống khoai tây mới. Bên cạnh chính sách của thành phố, các huyện cần có cơ chế riêng hỗ trợ, khuyến khích hợp tác xã, nông dân trồng giống khoai tây Atlantic và Julinka, từng bước mở rộng, khai thác hiệu quả diện tích trồng cây vụ đông xuân, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-ho-tro-nong-dan-dua-giong-moi-vao-san-xuat-688976.html