Hà Nội - Huế - Sài Gòn: 'Như cây một cội, như con một nhà'
Chiều 3/10, thành phố Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa ba thành phố Hà Nội-Huế-Sài Gòn (8/10/1960-8/10/2020). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tham dự.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, lịch sử dân tộc ta đã khẳng định Hà Nội - Huế - Sài Gòn “như cây một cội, như con một nhà”, trải qua các thời kỳ lịch sử đã hợp sức cùng nhau trong lao động sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, chống kẻ thù xâm lược, giữ vững bờ cõi dân tộc.
Ông Chu Ngọc Anh cho biết, cách đây 60 năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội cùng các đồng chí đại diện nhân dân Huế, Sài Gòn quyết định thành lập Ban vận động kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Vào tối 8/10/1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), Ban vận động đã tổ chức trọng thể Lễ ký kết giữa ba thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn. “Từ đây, nhân dân Hà Nội đã ghi tên Huế - Sài Gòn trong trái tim mình, trong tâm trí”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Phong trào kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã phát triển nhanh chóng và đạt được kết quả to lớn trên địa bàn Thủ đô. Trong 10 năm (1965-1975), Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên 8,6 vạn thanh niên nhập ngũ để bổ sung cho các quân binh chủng, trực tiếp chi viện cho các chiến trường. Hơn 11.560 người con ưu tú của Thủ đô đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của dân tộc. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, với những năm tháng đầy khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội cùng Huế, Sài Gòn từng bước vượt qua khó khăn bước vào thời kỳ đổi mới…
Qua buổi tọa đàm, Chủ tịch Chu Ngọc Anh tin tưởng, mối quan hệ đặc biệt giữa ba thành phố tiếp tục được các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân bồi đắp thêm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để mối tình keo sơn thêm bền chặt….
“Đây cũng là nền tảng để ba thành phố vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện thắng lợi thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh”, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, 60 năm qua, mỗi bước phát triển của Thừa Thiên Huế bên cạnh nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, còn mang đậm dấu ấn nghĩa tình sâu nặng của nhân dân Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Lưu nhấn mạnh, mối quan hệ lâu đời giữa ba địa phương Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh là tiền đề quan trọng tạo nên sự phát triển của Việt Nam qua các thời kỳ cũng như trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.
Để tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, phát huy thế mạnh, vai trò của mỗi địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề nghị ba thành phố tập trung tăng cường hợp tác, hỗ trợ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; trong đó đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời tiếp tục hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo cán bộ, nhất là lĩnh vực quản lý, vận hành hệ thống về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Ông Lê Trường Lưu cũng đề nghị tăng cường trao đổi về cách làm hay trong giải quyết các vấn đề ở cơ sở; đẩy mạnh hợp tác về phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào các lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch, phát triển đô thị, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; du lịch, thương mại; văn hóa, xã hội; an ninh quốc phòng...
Còn theo ông Dương Minh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tình nghĩa keo sơn gắn bó giữa ba thành phố là một trong những nền tảng tạo nên sức mạnh to lớn trong suốt chiều dài của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Hà Nội - Huế - Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh hôm nay) tiếp tục đẩy mạnh giao lưu và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chương trình hợp tác giữa ba thành phố được ký kết, tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trên các mặt kinh tế xã hội, cùng cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu phát triển và hội nhập.
Mối tình sắt son đó sẽ mãi mãi thắm tươi trên những công trình mang dấu ấn chung trong quy hoạch và phát triển, trong từng chương trình kế hoạch, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; du lịch; thương mại; văn hóa - xã hội; y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội của ba thành phố.
Tại buổi tọa đàm, các tham luận đã làm rõ mối quan hệ lịch sử giữa 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn và sự hợp tác trong quá trình phát triển trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa-thể thao, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… Đồng thời khẳng định, việc kết nghĩa giữa các thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn là động lực để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Buổi tọa đàm cũng giao lưu với các nhân chứng lịch sử: Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Kim Sơn, nguyên thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức; Giáo sư, tiến sĩ Trình Quang Phú - Viện trưởng viện Phương Đông, thành phố Hồ Chí Minh; ông Lê Thành Thắng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Định Công (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai) giai đoạn từ tháng 1/1970 -2/1972 và từ 2/1983 - 3/1987; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã từ 2/1968 - 5/1970 và 5/1987 -11/1989; bà Trần Thị Hằng, nguyên Phó Chủ nhiệm hợp tác xã Nông nghiệp Định Công.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-hue-sai-gon-nhu-cay-mot-coi-nhu-con-mot-nha-113911.html