Hà Nội hướng tới phát triển đô thị mang tầm khu vực, quốc tế

Thành phố Hà Nội đặt ra hàng loạt mục tiêu về phát triển bền vững đô thị, trong đó có những chỉ tiêu về xây dựng đô thị thông minh, đô thị có thương hiệu được công nhận ở tầm khu vực và quốc tế.

Điều này thể hiện khát vọng phát triển, khẳng định vị thế Thủ đô trong thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hà Nội đang phát triển đô thị theo hướng bền vững với những tiêu chí cụ thể như đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị đáng sống. Ảnh: Nhật Nam

Hà Nội đang phát triển đô thị theo hướng bền vững với những tiêu chí cụ thể như đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị đáng sống. Ảnh: Nhật Nam

Nhận diện bất cập

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2ha/khu trở lên, trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành; 168 dự án đang triển khai. Một số khu đô thị, khu nhà ở được đầu tư hiện đại, đã góp phần thay đổi diện mạo của thành phố, giải quyết một phần nhu cầu về nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều hạn chế, bất cập chưa được xử lý hiệu quả.

Cụ thể, một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định, chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... chậm được triển khai theo quy hoạch.

Nhiều chuyên gia quy hoạch cũng đã chỉ ra, việc phát triển khi chưa có kế hoạch cụ thể đã tạo ra một số hệ lụy như mất cân đối, thiếu đồng bộ. Nguyên nhân là do đầu tư dàn trải, không tập trung. “Quá trình phát triển đô thị diễn ra chậm, tỷ lệ đô thị hóa thấp so với mục tiêu quy hoạch. Việc tổ chức không gian đô thị và quy mô đô thị chưa hợp lý, không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển mà còn khiến kinh tế đô thị Hà Nội chưa phát huy được lợi thế”, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy nhận xét.

Nhận diện những bất cập trên, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 16-3-2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội. UBND thành phố thống nhất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; giao các sở, ngành hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.

Kỳ vọng tạo đột phá

Tại Kế hoạch số 216/KH-UBND, thành phố xác định nhiều mục tiêu cụ thể. Đó là phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 đạt khoảng 65-75%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 30% vào năm 2025, phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 33-36%. Đến năm 2025, hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh… Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2025-2030, Hà Nội sẽ triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh; 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận ở tầm khu vực và quốc tế.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, để đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng. Sở cũng đang nghiên cứu quy hoạch chi tiết các khu vực cải tạo, tái thiết chung cư cũ, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố...

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận định, chỉ tiêu của Hà Nội phù hợp với định hướng phát triển đô thị chung của cả nước, đồng thời thể hiện khát vọng của Thủ đô trong triển khai các dự án lớn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu sánh ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. “Với thương hiệu ở tầm khu vực và quốc tế, các tính năng của đô thị phải được xác định nổi bật, như đô thị thương mại dịch vụ, đô thị sân bay hay đô thị đại học… Từng thương hiệu đô thị sẽ phát huy giá trị, làm nổi bật vị thế, vai trò của Thủ đô”, ông Trần Ngọc Chính nêu.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm, thành phố cần sớm nghiên cứu, xác định, bổ sung các chỉ tiêu cụ thể trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chuyên gia này cho rằng, trong chiến lược chung của thế giới, đô thị đang được xây dựng theo hướng bền vững với những bước đi cụ thể như đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị đáng sống... Do đó, tiếp sau kế hoạch này, thành phố cần rà soát, xác định các mục tiêu cụ thể, có hướng đi và khung pháp lý rõ ràng, nếu không sẽ rất khó thực hiện.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-huong-toi-phat-trien-do-thi-mang-tam-khu-vuc-quoc-te-640528.html