Hà Nội khắc phục những bất cập trong cải cách hành chính và xử lý rác thải
Ngày 29/6, Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến quý II/2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và sở, ban, ngành thành phố.
Hội nghị tập trung bàn thảo hai nội dung là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Báo cáo về công tác cải cách hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết: Thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính theo tinh thần 3 “rõ”: Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm và rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ.
Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố; duy trì có hiệu quả hoạt động của Tổ Công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS. Tổ Công tác đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ, kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PAR INDEX, SIPAS…
Thành phố đã ban hành 82 văn bản liên quan kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và công bố, công khai các thủ tục hành chính. 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã xử lý được 1.052 phản ánh kiến nghị, đạt 97% tổng số phản ánh, kiến nghị, số còn lại đang trong hạn giải quyết.
Đáng chú ý, thành phố Hà Nội đã đưa vào và vận hành chính thức bốn hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi; hoàn thành hạng mục thuê dịch vụ công nghệ thông tin; thực hiện rà soát các hiệu năng tính năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố theo các quy định hiện hành…
Trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết, công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn ngày càng được cải thiện, tỷ lệ được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt hơn 90% (đạt và vượt mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2030).
Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm cải tạo hạ tầng các khu xử lý đáp ứng hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận bảo đảm an toàn chôn lấp rác, xử lý nước rác; đôn đốc tiến độ hoàn thành các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại đốt và thu hồi năng lượng để phát điện (Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã được cấp phép cho giai đoạn 1, giai đoạn 2 với công suất tiếp nhận rác, xử lý đốt rác phát điện khoảng 3.000 tấn/ngày).
Tuy nhiên, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế cần giải quyết như những vướng mắc trong quy định của pháp luật về phân loại rác, tính giá dịch vụ xử lý rác, quy hoạch chất thải rắn, việc kêu gọi và đầu tư các nhà máy đốt rác phát điện chưa đáp ứng được tiến độ…
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế công tác cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn.
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã điểm lại những kết quả đã đạt được trong việc triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính và công tác thu gom, xử lý rác thải.
Với những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại trong cải cách hành chính, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp, tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của hệ thống chính trị toàn thành phố về kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong xử lý công việc; khắc phục triệt để tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, không tham mưu giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh…
Người đứng đầu các đơn vị cần chịu trách nhiệm về hiệu quả, chất lượng công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị mình, nhất là thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PAR Index…
Đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu sớm ban hành Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá, giá dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường.
Các đơn vị liên quan rà soát tình hình quản lý, vận hành các khu xử lý chất thải Nam Sơn, Xuân Sơn; tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm chủ động tiếp nhận, xử lý khối lượng rác thải đến năm 2025; đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoàn thành và đi vào hoạt động chính thức trong năm 2023; hoàn thành Nhà máy điện rác Seraphin vào quý I/2024…
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị phân công rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc chỉ đạo, điều hành; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn Thủ đô.