Hà Nội: khai thác tiềm năng từ cây dược liệu

Là địa phương có nguồn gen rất phong phú nhưng việc phát triển kinh tế từ cây dược liệu tại Hà Nội hiện vẫn gặp không ít khó khăn, đòi hỏi cần có quy hoạch đầu tư bài bản, căn cơ.

Một vùng trồng cây dược liệu tại thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội).

Một vùng trồng cây dược liệu tại thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội).

Hiệu quả kinh tế vượt trội

Hơn 5 năm trước, ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) bắt tay vào trồng cây dược liệu. Tập trung quỹ đất nông nghiệp của hộ không canh tác, ông Hòa đã phát triển được vùng trồng quy mô 7ha với hàng chục loại cây dược liệu.

Ông Hòa liên kết với một số hợp tác xã để sơ chế, chế biến, sản xuất ra các sản phẩm từ cây dược liệu. Mô hình dần đi vào ổn định, mang lại giá trị kinh tế khoảng 420 triệu đồng/ha/năm trở lên, cao gấp 3 lần cây trồng khác.

Từ năm 2023, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, chị Uông Thị Tuyết Nhung - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (thị xã Sơn Tây) đã xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm trên quy mô 3ha.

Kết quả canh tác những năm gần đây, năng suất các loại cây dược liệu đạt 8,5 tấn sản phẩm tươi/ha (tương đương 1,2 tấn khô/ha). Với giá thu mua tốt, trừ chi phí sản xuất, mỗi héc-ta trồng cây dược liệu cho lợi nhuận khoảng 225 triệu đồng (trong thời gian 4 tháng).

Theo Phó Trưởng phòng kỹ thuật và chính sách nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) Mai Minh Hương, toàn TP hiện có khoảng 250ha trồng cây dược liệu, tập trung chủ yếu tại các huyện, thị xã: Sóc Sơn (88ha), Phú Xuyên (36,7ha); Đông Anh (35 ha); Sơn Tây (31ha); Quốc Oai (26ha); Chương Mỹ (18,5ha) và Ba Vì (13ha).

Năng suất cây dược liệu của TP có xu hướng tăng từ 73,5 tạ/ha (năm 2020) lên 86,05 tạ/ha (năm 2023), tương đương chỉ số tăng bình quân 5,4%/năm. Các mô hình cây dược liệu đã và đang mang lại giá trị kinh tế vượt trội, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Đóng gói sản phẩm trà từ cây dược liệu tại một doanh nghiệp ở huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội).

Đóng gói sản phẩm trà từ cây dược liệu tại một doanh nghiệp ở huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội).

Phát triển theo chuỗi liên kết

Mang lại giá trị tích cực, tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu hiện nay cũng đối diện nhiều khó khăn. Nổi cộm là vấn đề phát triển vùng trồng, bảo tồn nguồn gen, nâng cao chất lượng và bài toán tiêu thụ các sản phẩm từ cây dược liệu.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) Nguyễn Trung Thành chia sẻ, để người dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu thì phải tính đến bài toán tiêu thụ. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách về xây dựng vùng sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ, chế biến.

Cũng theo ông Thành, dù nguồn dược liệu có phong phú, đa dạng đến đâu nhưng nếu không được gìn giữ, bảo tồn thì nguồn tài nguyên quý này cũng cạn kiệt. Vì vậy, việc bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu cần được đặc biệt quan tâm nhiều hơn.

Theo Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân, TP đã có quy hoạch vùng trồng cây dược liệu. Đây là điều kiện thuận lợi để các sở ngành, địa phương cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư tỏng lĩnh vực phát triển sản phẩm từ cây dược liệu.

Cùng với chú trọng phục hồi và phát triển nguồn gen cây dược liệu bản địa, các nhà quản lý và doanh nghiệp cần bắt tay với nhà khoa học, người nông dân, tạo sợi dây liên kết trong sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm từ cây dược liệu.

Đồng tình với khuyến nghị của đại diện Ban Dân tộc TP, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh thêm, việc sản xuất cây dược liệu đòi hỏi các tiêu chuẩn và quy định khắt khe, nếu người dân trồng cây dược liệu tự phát thì khó đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Cũng bởi vậy, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Nội xác định phát triển các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, từng bước đưa cây dược liệu trở thành một trong những cây trồng thế mạnh của Hà Nội.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT quy hoạch vùng bảo tồn những loài cây dược liệu quý hiếm trong tự nhiên, ưu tiên tại các khu rừng đặc dụng, bởi đây là nơi bảo tồn nguồn gen và cung cấp giống cho sản xuất. Từ đó, xây dựng các dự án vùng nguyên liệu gắn với sơ chế, chế biến sâu; xây dựng mã số các vùng trồng để quản lý nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm dược liệu trên thị trường.

Ưu tiên phát triển 16 loại cây dược liệu: UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024 - 2025. Trong đó, sẽ ưu tiên phát triển 16 loại cây dược liệu gồm: trà hoa vàng, kim ngân hoa, đinh lăng, cà gai leo, xạ đen, râu mèo, sâm bố chính, hương nhu, cỏ ngọt, thanh hao, húng quế, bạc hà, cúc chi, nghệ vàng, gừng, đông trùng hạ thảo.

Cụ thể hóa kế hoạch trên, UBND TP Hà Nội sẽ chỉ đạo rà soát, xây dựng chi tiết vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho từng loài dược liệu ở từng địa bàn xã, gắn với xây dựng hệ thống thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên cơ sở khai thác lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên. Đồng thời, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả ở những nơi có điều kiện phù hợp sang trồng dược liệu theo chuỗi giá trị; chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm dược liệu có giá trị gia tăng lớn gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới...

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-khai-thac-tiem-nang-tu-cay-duoc-lieu.html