Hà Nội khánh thành Nhà hát Hồ Gươm, ứng dụng công nghệ tân tiến hàng đầu thế giới
Ngày 9/7, Bộ Công an và UBND TP. Hà Nội tổ chức lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm (40 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Với quy mô 5.000m2, tọa lạc tại vị trí đắc địa giàu giá trị văn hóa bậc nhất của Thủ đô, cùng trang thiết bị tiên tiến, hiện đại ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới, Nhà hát Hồ Gươm hội đủ các điều kiện để trở thành tâm điểm của các sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật, nơi giao lưu, các đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến biểu diễn.
Tới dự lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trí, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng… cùng các lãnh đạo là ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng các bộ, ban, ngành thuộc Chính phủ, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân TP. Hà Nội…
Hoàn thành “thần tốc” trong 22 tháng
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nhà hát Hồ Gươm là một trong những công trình kiến trúc văn hóa mang tính biểu tượng của lực lượng công an nhân dân và góp phần tô thắm biểu tượng của TP. Hà Nội.
“Đây là một thiết chế văn hóa với không gian văn hóa nghệ thuật hiện đại xen lẫn truyền thống có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại có kết nối với công trình văn hóa lịch sử, cảnh quan kiến trúc quanh Hồ Gươm tạo thành một quần thể văn hóa của thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại và hòa bình”.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng nhà nước đặc biệt là đồng chí Thủ tướng chính phủ đã luôn luôn rất quan tâm đến nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân thủ đô, các đồng chí công an nhân dân cũng như công chúng khán giả cả nước và bạn bè quốc tế.
“Chúng tôi sẽ tiếp thu tinh thần và tổ chức triển khai thực hiện phối hợp với các cơ quan quản lý thật tốt để nhà hát Hồ gươm tiếp tục lan truyền phát huy giá trị truyền thống văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật trong nước cũng như với bạn bè quốc tế. Chúng tôi cũng cho rằng đây là những tình cảm của lực lượng công an nhân dân đối với nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước”.
Nhà hát Hồ Gươm nằm tại giao điểm 4 con phố lớn trung tâm Hà Nội, cách “trái tim thủ đô” hồ Hoàn Kiếm chỉ 3 phút đi bộ. Nhà hát sẽ thành tâm điểm kết nối với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan kiến trúc ngàn năm tuổi đang hiện hữu của thủ đô văn hiến, tạo thành quần thể văn hóa nghệ thuật, giải trí quanh hồ Hoàn Kiếm, nâng tầm điểm đến, góp phần quảng bá văn hóa du lịch, phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội.
Vượt qua những khó khăn của đại địch Covid-19, Dự án Nhà hát Hồ Gươm được hoàn thành “thần tốc” trong thời gian 22 tháng (trong khi thông lệ xây dựng các nhà hát quy mô tương tự kéo dài tới 4, 5 năm), Nhà hát Hồ Gươm gây ấn tượng bởi phong cách thiết kế theo lối kiến trúc Tân Cổ điển, gợi nhớ về những nhà hát đầu tiên của nhân loại, nơi giao thoa các yếu tố lịch sử, văn hóa bản địa với vẻ đẹp đương đại mà vẫn không làm mất đi nét đẹp cảnh quan tự nhiên khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Nhà hát có 6 tầng nổi, 3 tầng hầm, gồm khán phòng chính lên đến 900 chỗ ngồi, phòng hòa nhạc nhỏ 500 chỗ và các khu vực trưng bày, triển lãm nghệ thuật và các công trình phụ trợ khác.
Điểm nhấn kiến trúc châu Âu xưa toát lên sang trọng và lộng lẫy từ 52 cột đá nguyên khối, được nhập khẩu trực tiếp từ Tây Ban Nha, cùng các khối mặt kính và mái vòm bao bọc tòa nhà. Phương án chiếu sáng trần sảnh chính nhà hát lấy ý tưởng từ bầu trời đầy sao đêm với dàn đèn lộng lẫy khiến nhà hát về đêm lung linh đúng nghĩa một thánh đường nghệ thuật.
Tuy nhiên, từng chi tiết thiết kế của hệ mái sảnh và nội thất bên trong Nhà hát lại tái hiện một phần lịch sử của dân tộc Việt Nam qua những hoa văn truyền thống biểu trưng cho văn hóa Việt như mặt trời, chim hạc, trống đồng Đông Sơn, các nhạc cụ dân tộc... cùng các họa tiết phù điêu tinh xảo và nhiều chi tiết, hình ảnh trang trí như rùa vàng trao kiếm hay hệ thống tranh sơn mài… tại các phòng khách, phòng VIP hay các khu chức năng.
Đặc biệt ấn tượng là bức phù điêu “Huyền thoại Hồ Gươm” đặt trên khối kính màu xanh lục tại sảnh thông giữa tầng hầm 1 và hầm 2, nhằm kết nối không gian bằng hình khối và ánh sáng.
Để đảm bảo tiêu chuẩn vận hành của một nhà hát đa năng đẳng cấp, Nhà hát Hồ Gươm được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ hàng đầu trên thế giới về âm thanh, ánh sáng, bài trí sân khấu…
Nhà hát có khả năng đáp ứng đa dạng yêu cầu trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ khắt khe nhất như opera cho đến nhạc giao hưởng, nhạc kịch, Bale-múa, cho tới biểu diễn âm nhạc hiện đại, hội thảo, show truyền hình...
Các trang thiết bị âm thanh đều được đặt hàng riêng tương thích với thiết kế nhà hát, tuân thủ những tiêu chuẩn cao cấp, hiện đại bậc nhất thế giới.
Công trình biểu tượng về văn hóa
Đồng hành cùng chủ đầu tư là các đối tác tên tuổi, với thương hiệu đã được khẳng định tại các quốc gia tiên tiến nhất. Đó là tập đoàn thiết kế ánh sáng Studio Schuler Shook, tập đoàn TAIT - đơn vị từng thi công hệ thống âm thanh, thiết bị sân khấu cho Nhà hát Metropolitan Opera (New York, Mỹ) - 1 trong 10 nhà hát nổi tiếng nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Công an và TP. Hà Nội đã hợp tác cùng Meyer Sound Laboratories (Mỹ) – nhà cung cấp thiết bị âm thanh cho các sân khấu Broadway và nhà hát trên khắp thế giới. Cùng với đó là giải pháp xử lý âm thanh đến từ Delhome Acoustic.
Theo đó, hệ thống âm thanh biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm gồm: hệ thống loa Array và hệ thống loa Constellation. Trong đó nổi bật là hệ thống loa Constellation sử dụng một loạt các micrô cảm biến xung quanh khán phòng và khu vực vỏ sân khấu, bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số tinh vi và hệ thống loa đẳng cấp thế giới.
Constellation điều chỉnh các đặc tính vang, thời gian vang tại một địa điểm và phân phối âm thanh đều khắp khán phòng, tạo ra trải nghiệm âm thanh tự nhiên ở mọi chỗ ngồi. Hệ thống âm thanh Constellation hiện tại là hệ thống hiện đại nhất thế giới, chỉ một số ít nhà hát được trang bị hệ thống này.
“Nhà hát Hồ Gươm là nhà hát đầu tiên tại Việt Nam cung cấp loại máy móc thiết bị rạp hát đạt tiêu chuẩn quốc tế và chất lượng cao cho cả âm học tự nhiên và khuếch đại”, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế Delhom Acoustic cho biết.
Bên cạnh đó, Meyer Sound Laboratories, đơn vị nổi danh trong việc tiên phong đổi mới kĩ thuật âm thanh đã mang tới Nhà hát Hồ Gươm hệ thống thanh điện âm chòm sao với công nghệ âm thanh tương thích cho mỗi địa điểm, các loa có thể ngay lập tức thay đổi âm thanh và cường độ để đáp ứng với bất kỳ loại hình biểu diễn nào.
Bên cạnh công nghệ âm thanh hiện đại bậc nhất thế giới, tiêu chuẩn quốc tế của Nhà hát Hồ Gươm còn đến từ hệ thống điều khiển hội trường và khán phòng hiện đại, có thể chuyển đổi không gian trong vài phút, cho phép thay đổi nhiều cấu hình khán phòng khác nhau trong cùng một ngày, giúp linh hoạt tổ chức các sự kiện có tính chất khác nhau nhưng vẫn tối ưu hóa không gian.
Là đơn vị cung cấp hệ thống thiết bị nâng hạ sân khấu và hệ thống nâng hạ chuyển cảnh cho toàn bộ các lớp khoang treo, mành rèm, đạo cụ sân khấu, ông Lee Ashley – Giám đốc dự án cao cấp TAIT – nhà thầu lắp đặt thiết bị nhà hát Hồ Gươm cho biết: “Với Nhà hát Hồ Gươm, từ thiết kế đến chuyển giao, chúng tôi đều tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, để đảm bảo thiết bị được lắp đặt một cách an toàn và hoạt động tốt nhất”.
Hệ thống đèn chiếu sáng của nhà hát cũng đạt tới một đẳng cấp mới, khi đáp ứng được đa dạng các loại hình nghệ thuật khác nhau, với các không gian biểu diễn đặc trưng riêng biệt như ánh sáng để chiếu vào sân khấu, ánh sáng để theo dõi các diễn viên, ánh sáng để tạo nên các khung cảnh nghệ thuật.
Việc đầu tư xây dựng Nhà hát Hồ Gươm, công trình văn hóa mang tầm vóc quốc tế đã khẳng định tâm huyết của Bộ Công an và TP. Hà Nội trong việc kiến tạo nên một thiết chế văn hóa đẳng cấp, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về văn hóa, văn nghệ và xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Nhà hát Hồ Gươm đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật thẩm mỹ không chỉ cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân mà còn cho nhân dân thủ đô cũng như cả nước.
Trong tương lai không xa, nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành công trình biểu tượng về văn hóa, biểu tượng của du lịch Thủ đô và Việt Nam.
Nói về vai trò và vị thế của nhà hát Hồ Gươm trong sự phát triển văn hóa nghệ thuật của thủ đô Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Sau Nhà hát Lớn, 100 năm qua, chúng ta mới thấy một nhà hát vừa hiện đại vừa cổ điển, vừa ghi dấu ấn lịch sử Việt Nam, lại vừa kể được câu chuyện của hiện tại. Giống như một gạch nối từ quá khứ tới hiện tại và tới tương lai, chúng ta có quyền hy vọng rằng Nhà hát Hồ Gươm sẽ trở thành một di sản cho đời sau, giống như cách mà thành đường nghệ thuật Nhà hát Lớn đã ghi dấu ấn trong lòng Hà Nội”.
Việc đầu tư xây dựng Nhà hát Hồ Gươm của Bộ Công an và TP. Hà Nội một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội, như Bác Hồ từng dạy, văn hóa là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”, đồng thời triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc”.