Hà Nội: Khi nào có khuyến cáo của ngành Y tế sẽ cho học sinh nghỉ học
Sáng ngày 31/1, Sở GDĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).
Hội nghị trực tuyến đã triệu tập hơn 5.000 đại biểu nhằm quán triệt thông tin đầy đủ, nhanh. Tại hội nghị, đại diện ngành Y tế Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội cũng thông tin về tác nhân gây bệnh, tình hình dịch bệnh và những biện pháp để phòng chống dịch bệnh này. Virus Corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp được xác định là do một chủng virus mới, rất khác với chủng virus gây SARS và MERS xảy ra vào các đại dịch năm 2003, và các năm 2015, 2016, 2017...
Hiện nay, nCoV được biết đến có 7 chủng, trong đó, có 4 chủng gây các triệu chứng giống cảm mạo thông thường, như hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt,... Ngoài ra, có 3 chủng đã từng gây rất nhiều đại dịch, bao gồm hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
TS. Nguyễn Thị Kiều Anh cũng cập nhật số liệu về tình hình bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV đến sáng ngày 31/1: Số người mắc bệnh trên thế giới: 9.807 trường hợp, 213 tử vong. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh là 5 trường hợp. Trong đó: 2 công dân Trung Quốc (1 người đã khỏi, xét nghiệm 3 lần cho kết quả âm tính); 3 công dân Việt Nam đều dưới 30 tuổi, đang học tập, làm việc tại Vũ Hán, Trung Quốc trở về.
Việt Nam khuyến nghị người dân không nên đi/đến khu vực đang có dịch tại Trung Quốc nếu không cần thiết. Những người trở về vùng có dịch tại Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Người nhiễm nCoV có các triệu chứng cấp tính: ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch”.
Theo đại diện trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, hiện tại, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Các biện pháp phòng lây nhiễm virus Corona mới có 4 nhóm, bao gồm: phát hiện kịp thời cách ly, không để có ca thứ phát, ngành giáo dục và y tế phối hợp chặt chẽ, đến cơ sở y tế khám bệnh ngay khi có triệu chứng hô hấp. có những trường hợp từ vùng dịch về phải truyền thông, cách ly, kiểm soát đến khi không còn triệu chứng; không đi đến nơi có vùng dịch, tránh hạn chế tiếp xúc gần (bán kính 2m); vệ sinh cá nhân, rửa tay xà phòng, thường xuyên khử trùng, vệ sinh ăn uống, đeo khẩu trang thường xuyên ở nơi tập trung đông người; mở phòng làm việc, phòng ở thông thoáng (theo kinh nghiệm phòng chống dịch SARS thì cần mở thông thoáng để tỷ lệ, mật độ virus giảm), điều hòa nên để 25-27 độ C.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần chủ động thường xuyên khử trùng môi trường, cảnh quan trong trường, lớp học, đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ dùng cá nhân cho học sinh... bằng cloramin B hoặc các chất tẩy rửa thông thường khác.
Chia sẻ cách đối phó với dịch bệnh này, các lãnh đạo phòng GD-ĐT đều cho biết sẽ tiến hành vệ sinh toàn bộ các nhà trường, đồng thời phun khử trùng.
Cũng trong buổi này, nhiều câu hỏi liên quan đến việc “có đóng cửa trường học hay không”, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc sở GD-ĐT Hà Nội cho ý kiến: “Khi nào có khuyến cáo của ngành Y tế sẽ cho học sinh nghỉ học, chúng ta đang có 2 triệu học sinh, liên quan đến gần 2 triệu gia đình, sẽ không đơn giản nếu nghỉ học”. Về việc phụ huynh tự ý cho con nghỉ học là không nên lo lắng quá, như vậy sẽ ảnh hưởng tới kiến thức. Đối với các hoạt động mang tính thường xuyên (chào cờ, sinh hoạt trong trường), lãnh đạo Sở cũng cho rằng vẫn nên tổ chức bình thường, không nên quá hoang mang.
Cuối cùng, phát biểu kết thúc hội nghị, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT một lần nữa nhấn mạnh, WHO đã công bố mức khẩn cấp toàn cầu, người dân cần tập trung phòng chống dịch.
“Trường học có quy mô lớn, số lượng học sinh đông, có tác động lớn. Chính vì vậy nhận thức của những người đứng đầu các cơ sở giáo dục là việc rất quan trọng trong việc phòng chống dịch. Với sự bùng phát nhanh của loại virus này, tôi mong các đồng chí thống nhất nhận thức về phòng chống dịch”, ông Dũng nhấn mạnh.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng, cần tuyên truyền, khuyến khích đeo khẩu trang đến lớp. “Tôi hoan nghênh một số địa phương đã nhanh chóng thực hiện việc này. Thời gian sắp tới đề nghị các đơn vị chủ động thực hiện việc này. Bên cạnh việc đeo khẩu trang, nhà trường cũng phải bố trí nước sạch để học sinh rửa tay thường xuyên. Cần có sự quan tâm kịp thời và đầy đủ. Khuyến khích học sinh dùng bình nước cá nhân, không sử dụng chung các đồ dùng ăn uống.