Hà Nội khơi thông 'điểm nghẽn' về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Ứng dụng công nghệ thông tin để có nhiều sáng kiến, mô hình cải cách thủ tục hành chính là việc các địa phương của Hà Nội triển khai để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiết kiệm về thời gian, chi phí mỗi khi đến làm thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 4762/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng Thẩm định, đánh giá xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.

Lập Hội đồng thẩm định

Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định báo cáo kết quả tự đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính năm 2024 của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã. Thẩm định điểm tự chấm của các sở, các quận, huyện, thị xã và quyết định điểm đánh giá theo từng nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần đối với từng sở, từng quận, huyện, thị xã.

Cũng với đó là xem xét, thông qua kết quả điều tra xã hội học xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các sở, các quận, huyện, thị xã. Trình UBND thành phố phê duyệt và công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các sở, các quận, huyện, thị xã.

Hà Nội vừa thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2024.

Hà Nội vừa thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2024.

Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể và theo nội dung công việc tại Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 31-7-2024 của UBND thành phố về triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã; kết quả thẩm định có giá trị khi có trên 50% số thành viên Hội đồng dự họp hoặc được hỏi ý kiến tán thành.

Chủ tịch Hội đồng được sử dụng con dấu của UBND thành phố trong thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng; chủ trì, kết luận các cuộc họp của Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng - Giám đốc Sở Nội vụ, cơ quan thường trực của Hội đồng có trách nhiệm tham mưu tổ chức các cuộc họp của Hội đồng hoặc xin ý kiến các thành viên Hội đồng; trình UBND thành phố kết quả thẩm định của Hội đồng sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng...

Theo quyết định, Hội đồng thẩm định có 10 thành viên, trong đó Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải là Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Nội vụ là Phó Chủ tịch hội đồng. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Kỳ vọng vào Trung tâm phục vụ hành chính công

Có thể thấy, thời gian qua, cùng với những hành động quyết liệt từ thành phố và các địa phương, nhiều điểm nghẽn trong thực hiện thủ tục hành chính tại Hà Nội đã được khơi thông, trong đó có không ít sáng kiến mang lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp.

Mới nhất, Hà Nội chuẩn bị triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công, đây sẽ là đầu mối duy nhất cung cấp dịch vụ công kế thừa, phát huy được những ưu điểm của việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính các cấp.

Trong những năm qua, Hà Nội đã có nhiều sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính, mang lại lợi ích cho người dân.

Trong những năm qua, Hà Nội đã có nhiều sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính, mang lại lợi ích cho người dân.

Theo UBND TP. Hà Nội, mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công Hà Nội là cơ quan hành chính một cấp, thực hiện tiếp nhận thủ tục hành chính phi địa giới hành chính, là đầu mối duy nhất cung cấp dịch vụ công trên toàn địa bàn Thành phố để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn của mô hình bộ phận một cửa "truyền thống" nằm trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp như hiện nay.

Theo đó, hiện nay, 677 bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính phân tán ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương; người dân và tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp đến nhiều cơ sở, địa điểm khác nhau để giải quyết thủ tục hành chính dẫn đến khó khăn cho việc đi lại, cung cấp thông tin, nộp hồ sơ, nộp bổ sung hồ sơ.

Khi triển khai Đề án, việc tổ chức tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính tập trung, phi địa giới hành chính tại 30 chi nhánh, các Điểm tiếp nhận sẽ góp phần tối đa hóa phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận một cửa riêng lẻ tại các cơ quan nhà nước, bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km, phù hợp với nơi sinh sống, học tập, công tác.

Ngoài ra, tăng khả năng tiếp cận, tạo thuận tiện cho tổ chức, cá nhân trong tìm hiểu, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, đặc biệt là người có kỹ năng công nghệ thông tin thấp.

Trung tâm hành chính công được kỳ vọng sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp, độc lập trong tiếp nhận, số hóa, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm sự linh hoạt trong bố trí cán bộ một cửa phù hợp với điều kiện, tình hình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của từng khu vực, tránh việc quá tải cục bộ; tạo điều kiện theo dõi, giám sát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện thủ tục hành chính kịp thời, hiệu quả hơn.

Nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính, trong đó 100% hồ sơ thủ tục hành chính đều được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các Bộ phận một cửa thống nhất, đồng bộ.

Phân cấp khoảng 40% thủ tục hành chính

Thời gian qua, Hà Nội đã tập trung rà soát các thủ tục hành chính để phân cấp, ủy quyền. Đến nay, Thành phố đã phân cấp gần khoảng 40% thủ tục hành chính (vượt chỉ tiêu so với Chính phủ đề ra).

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, để thực hiện được việc phân cấp thủ tục hành chính vượt chỉ tiêu đề ra, kinh nghiệm của Hà Nội là "làm từ trên xuống".

Hà Nội đã thành lập tổ công tác riêng, phân tích kỹ lưỡng, khoa học và áp xuống cơ sở với tinh thần "vừa làm vừa sửa". Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định đến thời điểm này là thực sự việc phân cấp, ủy quyền đã đi vào cuộc sống.

Trên cơ sở phân cấp, ủy quyền, năm 2023, Hà Nội cũng đã rà soát toàn bộ chức năng, nhiệm vụ và đến thời điểm này này, chức năng nhiệm vụ tất cả của 21 sở, ngành, các cơ quan tương đương đã được ban hành mới phù hợp với thực tiễn và phù hợp với phân cấp, ủy quyền.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ Hà Nội cũng đã rà soát lại và xác định vị trí việc làm của toàn bộ các đơn vị với 2.687 đề án về vị trí việc đã được phê duyệt, ban hành xong. Cùng với việc Luật Thủ đô sửa đổi sắp có hiệu lực, trong năm 2025, Hà Nội sẽ xác định cụ thể tịnh biên biên chế phù hợp với quy mô, đặc thù của Thủ đô để nâng cao hiệu quả công việc, nguồn lực con người và tài chính.

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/ha-noi-khoi-thong-diem-nghen-ve-thu-tuc-hanh-chinh-tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-1102387.html