Hà Nội không ban hành quy định riêng về bồi thường xây lại chung cư cũ trên 'đất vàng'
UBND TP Hà Nội sẽ không xem xét, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (nội dung chủ yếu liên quan đến hệ số K và quy trình lựa chọn nhà đầu tư) theo đề xuất của Sở Xây dựng.
Nội dung trên được nêu tại thông báo mới đây của Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội.
Lý do là việc nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND TP về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đòi hỏi phải có nhiều thời gian, trong khi tiến độ thực hiện đề án và các kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay đã không đáp ứng tiến độ đề ra.
Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã tương đối đầy đủ. Theo đó, các sở, ngành thành phố vận dụng tối đa các chế định hiện có, phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu, báo cáo UBND thành phố ban hành văn bản cá biệt để chỉ đạo, điều hành (nhưng vẫn phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện) đối với một số tình huống cụ thể.
Trước đó, vào giữa tháng 12/2022, UBND TP Hà Nội lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn. Theo dự thảo, đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư do Nhà nước trực tiếp thực hiện thì hệ số bồi thường bằng 1 lần so với diện tích căn hộ cũ. Đối với dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư không thuộc sở hữu nhà nước, thì hệ số bồi thường không vượt quá 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong sổ đỏ.
Hiện việc tính hệ số K khi xây dựng, cải tạo chung cư cũ được thành phố áp dụng theo Quyết định 48/2008. Không phân biệt căn hộ nhà nước hay xã hội hóa, chung cư cũ khi xây lại đều có chung hệ số K là 1,3, nhân với hệ số chuyển tầng. Căn hộ cũ ở tầng 1, khi xây mới nếu ở tầng 2 sẽ có hệ số chuyển tầng là 0,1 và cứ lên thêm một tầng tăng 0,1 cho đến mức tối đa 0,5 (từ tầng 6 trở lên).
Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ gồm: 6 khu có tính khả thi cao Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân; và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp.
Hà Nội yêu cầu UBND các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2023; khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III/2023.
Được biết, thành phố đã kiểm định xong 126 nhà chung cư cũ; đánh giá, phân loại cụ thể 19 ý tưởng quy hoạch do các nhà đầu tư đề xuất; 14/15 quận, huyện có chung cư cũ thành lập Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại, ban hành kế hoạch để triển khai...