Hà Nội không còn hộ nghèo, về đích trước kế hoạch
Năm 2024, các chỉ tiêu an sinh xã hội như: giải quyết việc làm, tuyển sinh đào tạo nghề, giảm nghèo, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, cai nghiện ma túy... đã được ngành LĐTB&XH Hà Nội thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Hà Nội không còn hộ nghèo, về đích trước 1 năm kế hoạch
Ngày 17/12, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ đến cuối năm 2024.
Báo cáo kết quả công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, Chánh Văn phòng Sở LĐTB&XH Hà Nội Kiều Thị Hương cho biết, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP giao, ngành LĐTB&XH đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 2,54%, đạt chỉ tiêu dưới 3% TP đề ra; giảm 0,43% so với năm 2023.
Trong năm đã có 690/690 hộ thoát nghèo, vượt gần 2 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn TP cuối năm 2024 là 0% theo chuẩn nghèo của TP, chỉ tiêu về giảm nghèo đã về đích trước 1 năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2021 – 2025; số hộ cận nghèo còn 9.928 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,43%.
Ngành LĐTB&XH Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, tạo được nhiều việc làm mới cho người lao động. Tính chung năm 2024, TP giải quyết việc làm cho 213.161 người lao động, đạt 129,1% kế hoạch giao trong năm, tăng 12.881 việc làm mới (tương đương tăng 6,4%) so với cùng kỳ năm 2023.
Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện được thực hiện tốt. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP, ước hết năm 2024 có 2.257.823 người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 111.829 người so với năm 2023, chiếm 48,9% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn TP tuyển sinh đào tạo nghề cho 239.170 lượt người, đạt 101,8% so với kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023. Công tác thực hiện chính sách người có công với cách mạng được TP quan tâm, đời sống người có công không ngừng được nâng lên. Tổng kinh phí 11 tháng của năm chi cho công tác ưu đãi người có công của TP là 2.331,2 tỷ đồng.
Ngành LĐTB&XH Hà Nội triển khai Kế hoạch thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" năm 2024, vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được trên 36,1 tỷ đồng, đạt 155% kế hoạch; tặng 1.855 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí gần 5,5 tỷ đồng, đạt 149% kế hoạch. Đồng thời, ngành LĐTB&XH Hà Nội triển khai vận động xã hội hóa tu sửa nâng cấp 192 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí trên 7,6 tỷ đồng, đạt 144,4% kế hoạch.
Công tác phòng chống tệ nạn xã hội được quan tâm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện. Trong năm, Hà Nội đã thực hiện được 2.038 chỉ tiêu, đạt 119,9% kế hoạch năm.
Bảo đảm mọi người dân đều có Tết
Tại hội nghị, lãnh đạo Phòng LĐTB&XH một số quận, huyện đã phát biểu thảo luận về việc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; chế độ ưu đãi và xây dựng, sửa nhà cho người có công; thực hiện ủy quyền thủ tục hành chính...
Trong đó nhiều ý kiến kiến nghị từ năm 2025 các đối tượng bảo trợ xã hội lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng tiếp tục được hỗ trợ phí chi trả ngân hàng; từ năm 2025 người có công được lĩnh tiền tăng thêm theo quy định tại Nghị định 77/2024/NĐ-CP của Chính phủ... Những kiến nghị của lãnh đạo các Phòng LĐTB&XH đã được Ban Giám đốc và Trưởng phòng, ban của Sở LĐTB&XH Hà Nội giải đáp kịp thời.
Thực hiện các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2024 và tháng đầu năm 2025, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương đề nghị các đơn vị trực thuộc, Phòng LĐTB&XH quận, huyện, thị xã nắm bắt sát sao việc triển khai công tác sáp nhập các nhiệm vụ công tác LĐTB&XH tại các xã, phường, thị trấn. Qua đó, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội hàng tháng cho các đối tượng qua tài khoản, không làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Cùng với đó, triển khai nhanh chóng việc chi trả chế độ quà nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 kịp thời cho các đối tượng an sinh xã hội đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ chế độ chính sách, kịp thời. Bên cạnh đó, huy động tối đa các nguồn lực xã hội nhằm chăm lo tốt hơn đối với đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm mọi người dân đều có Tết.
Các phòng, đơn vị khẩn trương thực hiện quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đảm bảo tiến độ và yêu cầu. Đối với công tác giải quyết việc làm, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người lao động trên địa bàn về các phiên giao dịch việc làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động để kết nối DN và người lao động trên địa bàn.
Đồng thời, các đơn vị, Phòng LĐTB&XH kịp thời nắm bắt tình hình tiền lương, tiền thưởng Tết của người lao động; quan hệ lao động trong các DN trên địa bàn quản lý để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý những vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động, đình công xảy ra...
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cũng nhấn mạnh, trên cơ sở Kế hoạch của Thành ủy và chỉ đạo của UBND TP, Phòng Người có công chủ trì, phối hợp với Phòng Kế hoạch Tài chính và các đơn vị liên quan dự thảo kế hoạch tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công và đối tượng xã hội dịp Tết Nguyên đán 2025.
Phòng LĐTB&XH nắm bắt và phối hợp giải quyết các vụ việc, can thiệp, trợ giúp hiệu quả những trường hợp trẻ em bị xâm hại, nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Sở các vụ việc xảy ra trên địa bàn theo quy định.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-khong-con-ho-ngheo-ve-dich-truoc-ke-hoach.html