Hà Nội không để dịch cúm gia cầm ở Chương Mỹ lây lan diện rộng

Hà Nội đang triển khai quyết liệt công tác giám sát và ngăn chặn dịch cúm gia cầm tiếp tục lây lan.

Sau hơn 10 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, đến nay dịch cúm gia cầm chủng H5N6 xuất hiện trên đàn thủy cầm của 4 hộ gia đình ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội đã cơ bản được khống chế, với gần 7.000 con gia cầm buộc phải tiêu hủy. Công tác giám sát và ngăn chặn dịch tiếp tục lây lan đã và đang được các ngành chức năng ở địa phương quyết liệt triển khai.

Sau khi có thông tin về dịch, xã Phú Nghĩa lập 1 chốt kiểm dịch tại thôn Phú Vinh để ngăn chặn không cho vận chuyển gia cầm và các sản phẩm của gia cầm cảm nhiễm với bệnh cúm gia cầm ra khỏi thôn. (Ảnh: Lao Động).

Sau khi có thông tin về dịch, xã Phú Nghĩa lập 1 chốt kiểm dịch tại thôn Phú Vinh để ngăn chặn không cho vận chuyển gia cầm và các sản phẩm của gia cầm cảm nhiễm với bệnh cúm gia cầm ra khỏi thôn. (Ảnh: Lao Động).

Thành lập chốt kiểm dịch ngăn chặn vận chuyển gia cầm ra vào vùng dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc các phương tiện ra vào vùng dịch và xung quanh các chuồng trại gần khu vực phát hiện ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn... Công việc dập dịch ngay từ ổ đầu dịch đầu tiên đang được địa phương quyết liệt triển khai.

Con đường vào thôn của xã Phú Nghĩa trước đây là nơi vận chuyển vật tư nông nghiệp cho các hộ chăn nuôi trong thôn hôm nay phủ trắng màu của vôi bột được rải trên mặt đường để khử trùng các phương tiện ra vào vùng dịch.

Ông Trần Văn Thới công an viên xã Phú Nghĩa cho biết: "Chốt kiểm dịch được thành lập kiểm soát ổ dịch trong thôn, mọi phương tiện ra vào đều được phun thuốc khử trùng. Thành phần gồm cán bộ Thú y và công an xã. Các hộ báo về triệu chứng gia cầm sẽ báo cho Ủy ban nhân dân xã để khoanh vùng kịp thời".

Chủ động ứng phó dịch cúm gia cầm, các hộ chăn nuôi gia cầm ở xã Phú Nghĩa đã khử trùng tiêu độc và tăng cường theo dõi đàn gia cầm của gia đình.

Chị Lại Thị Ngợi hộ chăn nuôi ở Đầm Bung, thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa cho biết, mấy ngày qua xuất hiện tình trạng vịt ốm chết, nên đã thông báo cho cán bộ thú y cơ sở xuống lấy mẫu xét nghiệm.

"Có vài con vịt chết. Mấy hôm nay có dịch thì cán bộ xã lên tiêm phòng và hướng dẫn cách phòng chống dịch cho người dân", chị Ngợi cho hay.

Còn bà Nguyễn Thị Hiển, Trưởng ban Thú y xã Phú Nghĩa cho biết, ngay từ khi phát hiện ổ dịch, công tác tiêu độc khử trùng được lực lượng thú y triển khai liên tục.

"Đã xin ý kiến của huyện để rà soát lại tổng đàn đàn vịt của xã, tiêm phòng bao vây các thôn đang có vịt còn sống và cho khử trùng rắc vôi phun thuốc liên tục. Những hộ vịt có tiêu hủy thì phun liên tục 1 lần/ngày, những hộ trong thôn còn lại thì 1 tuần phun 1 lần trên toàn xã", bà Hiền nói.

Ngăn chặn bao vây và khoanh vùng ổ dịch, Trạm Thú y huyện Chương Mỹ đã tổ chức tiêm phòng sớm để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm trong thôn Phú Vinh và các thôn lân cận. Đồng thời hỗ trợ các xã, thị trấn 5.500l hóa chất để chủ động tổ chức vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh ổ dịch.

Bà Trần Thị Thu Hằng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Chương Mỹ băn khoăn, là một trong những địa phương của thành phố Hà Nội có mật đô chăn nuôi gia cầm lớn với 6.300.000 con gia cầm, nguy cơ dịch bệnh lây lan là rất lớn, đáng lưu ý là thời tiết hiện nay thuận lợi cho virrus phát triển.

"Chúng tôi tập trung thông tin tuyên truyền, khuyến cáo hộ chăn nuôi, hướng dẫn các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học và để các hộ chăn nuôi chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên kiểm tra, rà soát kịp thời phát hiện để khống chế khoanh vùng dập dịch", bà Hằng cho biết.

Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại huyện Chương Mỹ, ông Nguyễn Đình Đảng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội lưu ý, Trạm Thú y các quận, huyện bố trí cán bộ trực, xét nghiệm và nguyên vật liệu xét nghiệm các loại dịch bệnh, đảm bảo việc xét nghiệm kịp thời, chính xác để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.

"Chi cục cũng đã phổ biến đến các Trạm thú y nhất là những địa bàn trọng điểm về chăn nuôi gia cầm giám sát chặt chẽ diễn biến dịch và tăng cường các biện pháp phòng chống, tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường từ ngày 10/2 đến 22/2. Các hộ chăn nuôi chấp hành quy định của pháp luật đối với các dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có dịch cúm gia cầm khi có gia cầm tiêu hủy sẽ được hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước và Ủy ban nhân dân thành phố", ông Đảng thông tin.

Ngoài ổ dịch cúm gia cầm ở xã Phú Nghĩa ở thành phố Hà Nội, đến nay dịch cúm gia cầm đã được ghi nhận xuất hiện các ổ dịch nhỏ, lẻ tại các tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm có chiều hướng gia tăng và lây lan trên diện rộng, trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công điện khẩn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.

Theo đó, đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm. Đồng thời chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm./.

Minh Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/tin-24h/ha-noi-khong-de-dich-cum-gia-cam-o-chuong-my-lay-lan-dien-rong-1009557.vov