Hà Nội: Khuyến khích xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa
Tại phiên giải trình của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về đầu tư khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn, nhiều vấn đề đã được yêu cầu làm rõ, trong đó có nguyên nhân các dự án văn hóa chậm tiến độ, cần thiết có cơ chế khuyến khích xã hội hóa cho các thiết chế văn hóa, thể thao.
Nhà văn hóa bị lấn chiếm làm bãi trông giữ xe, quán ăn, nhà hàng, điển hình như tình trạng vườn hoa Ngọc Lâm (quận Long Biên), công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai), hay một số dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách nhà nước như dự án công viên Hello Kitty, dự án công viên Kim Quy (huyện Đông Anh) chậm triển khai, gây lãng phí lớn về đất đai... là những vấn đề được đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chất vấn chính quyền các quận huyện tại phiên giải trình.
Ông NGUYỄN MINH TÂM, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Hoàng Mai: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã chỉ đạo xây dựng các barie thấp để ngăn ôtô đi lên vỉa hè. Sau đó, các đối tượng lợi dụng đêm tối để phá barie đó. Ngay cuối tuần vừa rồi, chúng tôi đã chỉ đạo phường dựng lại barie để ngăn không cho ôtô lên vỉa hè của công viên".
Ông NGUYỄN TRỌNG KỲ ANH, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: “Hello Kitty đã duyệt xong quy hoạch với 8 tầng cao, mật độ xây dựng 80%, gần đây có vướng về giải phóng mặt bằng và giao chủ đầu tư vì ở đó có một phần đất công".
Ông VŨ ĐỨC BẢO, Trưởng ban tổ chức Thành ủy Hà Nội, Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố: “Trên quan điểm của tôi với tư cách là Ủy ban Thành phố, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Thành phố, các đồng chí Ủy ban Thành phố phải trả lời chỗ này, nó liên quan rất nhiều sở ngành. Như tại Hà Nội bây giờ, anh Hồng không thể nói là giải quyết vấn đề này một mình anh Hồng. Giám đốc Sở là cơ quan tham mưu, anh Hồng không thể nói thay Chủ tịch Quận Hà Đông được. Chúng ta không nên đi vào vòng luẩn quẩn này và hiện nay chúng ta nên tập chung cải cách hành chính, tập trung làm rõ trách nhiệm người đứng đầu".
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận trách nhiệm về những tồn tại hạn chế và nêu rõ 6 giải pháp trọng tâm để giải quyết dứt điểm bất cập nêu trên.
Ông CHU NGỌC ANH, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội: “Tôi đề nghị, tinh thần chung là sẽ có một đề án hoặc kế hoạch tập trung bám sát tinh thần chỉ đạo này. Đối với Thủ đô, văn hóa là trung tâm trong chính sách phát triển của thành phố. Từ những giá trị tinh thần to lớn và nguồn lực nội sinh này, thông qua hành động cụ thể, thành phố sẽ chỉ đạo một đề án hoặc kế hoạch 4 nhiệm vụ này để lập tức tập trung vào 6 giải pháp rà soát cụ thể, gắn trách nhiệm và tiến độ theo yêu cầu".
Thường trực HĐND thành phố đề nghị lãnh đạo thành phố có giải pháp tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại phiên giải trình; Ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý, tổ chức hoạt động và các cơ chế để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp của thành phố đảm bảo hiệu quả, thống nhất.
Ông NGUYỄN NGỌC TUẤN, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội: “Sẽ rà soát công tác quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao; đổi mới phương thức, đa dạng hóa hoạt động; nâng cao hiệu quả sử dụng; đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích, không đúng mục đích. Tiếp tục kêu gọi, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao tại cơ sở nhằm phát triển và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân".
Sau phiên họp giải trình, Thường trực HĐND thành phố sẽ ban hành kết luận làm cơ sở để tổ chức triển khai và giám sát kết quả thực hiện.
Thực hiện : Hải Yến Ngọc Tuấn