Hà Nội: Kiểm tra công vụ thể hiện tinh thần không có ngoại lệ, vùng cấm
Góp vào thành tích chung ngành Nội vụ, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ của TP đã được triển khai nền nếp, hiệu quả và nhiều đổi mới, nhất là sau khi Thành ủy ban hành Chỉ thị 24 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP.
Xây dựng hình ảnh cán bộ công chức tận tụy, vì dân
Năm 2023 trong bối cảnh có sự chuyển giao người đứng đầu, khối lượng công việc tăng, với sức ép về tiến độ, chất lượng ngày càng lớn, nhưng Sở Nội vụ, ngành Nội vụ Thủ đô đã tiếp tục ghi những dấu ấn quan trọng, nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Góp phần trong những thành tích chung đó, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ của TP đã được triển khai nền nếp, đạt hiệu quả và có nhiều đổi mới, nhất là sau khi Thành ủy ban hành Chỉ thị số 24 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP.
Xác định rõ vai trò là cơ quan thường trực Đoàn kiểm tra công vụ TP, năm qua, các chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được Sở Nội vụ xây dựng bám sát chủ đề năm của TP và chủ động, tích cực triển khai đúng tiến độ. Kết quả, toàn TP thực hiện được 1.586 cuộc kiểm tra công vụ, trong đó Đoàn kiểm tra công vụ TP thực hiện 41 cuộc, gồm 3 cuộc kiểm tra đột xuất, 6 cuộc kiểm tra xác minh theo chỉ đạo của UBND TP. Đồng thời, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị thuộc TP đã thực hiện 1.545 cuộc kiểm tra công vụ.
Thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, năm qua, Sở Nội vụ đã thực hiện thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý sử dụng cán bộ, công chức cấp xã đối với 6 quận, huyện. Các phòng, đơn vị chuyên môn thuộc Sở cũng triển khai những nội dung kiểm tra chuyên đề theo các lĩnh vực chuyên môn của Sở.
Đặc biệt, trong năm, thông qua công tác chỉ đạo điều hành đã phát hiện những tồn tại, hạn chế, biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu quyết liệt, bỏ sót chức trách, sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, thậm chí còn tâm lý “xin cho”… gây bức xúc cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến các chỉ tiêu phát triển KT-XH của TP. Trước tình trạng đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Đoàn kiểm tra công vụ đã tiến hành kiểm tra tại một số đơn vị, lĩnh vực như Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính…
Những điều đó đã thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt theo nguyên tắc không có ngoại lệ, không có vùng cấm, tất cả vì mục tiêu chung cho sự phát triển của TP và xây dựng chất lượng, hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm, văn minh, vì dân.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Sở Nội vụ Hà Nội, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra và từ những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong năm 2023 cũng như các năm trước đây, có thể thấy còn một số tồn tại hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra tập trung ở một số điểm chính.
Trước hết, đó là công tác kiểm tra công vụ nội bộ chưa được làm thường xuyên, vẫn còn tình trạng thực hiện hình thức; trong quá trình kiểm tra, tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm tra.
Bên cạnh đó, nghiệp vụ chuyên môn về kiểm tra công vụ của cán bộ tham gia đoàn kiểm tra nội bộ còn hạn chế, cần được tăng cường bồi dưỡng, tập huấn; việc thực hiện, giám sát thực hiện kết luận sau kiểm tra vẫn chưa đảm bảo yêu cầu. Trong khi, nội dung, phạm vi kiểm tra công vụ còn hẹp, từ đó cho thấy ngoài kiểm tra việc thực hiện quy chế, quy trình giải quyết công việc thì rất cần bổ sung theo hướng gắn với kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, văn hóa công vụ…
Thay đổi ngay từ tư duy của mỗi cán bộ trong thực thi công vụ
Với những kết quả đã đạt được và nghiêm túc nhìn vào những hạn chế cần khắc phục, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Hà Nội Phan Vũ cho rằng, rất cần khẩn trương có sự thay đổi ngay từ ý thức, tư duy của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm thực thi công vụ.
Song song đó, cần đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động kiểm tra công vụ; các kế hoạch, nội dung kiểm tra phải được xây dựng khoa học, bài bản gắn với nội dung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Mục tiêu của kiểm tra là chỉ ra tồn tại hạn chế nhưng cũng phải đi đôi với hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho đơn vị.
Đặc biệt, ông Phan Vũ đề xuất, phải tuyệt đối nói “không” với cách làm hình thức, chiếu lệ, nể nang, né tránh. Trong thanh tra, kiểm tra phải quyết liệt, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế đi liền với đề xuất biện pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm và đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng kết quả kiểm tra công vụ để thực hiện công tác cán bộ.
Đồng thời, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần dành sự quan tâm nhất định đến công tác kiểm tra công vụ nội bộ; tạo điều kiện, cơ chế để Chánh Văn phòng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc TP và Trưởng Phòng Nội vụ quận, huyện thị xã triển khai hiệu quả kế hoạch kiểm tra công vụ trong phạm vi nội bộ cơ quan. Ngoài ra, rất cần đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng tích hợp kế hoạch kiểm tra khung của các cơ quan, đơn vị gắn kiểm tra công vụ và kiểm tra chuyên môn.
Đáng chú ý, năm 2024, Sở Nội vụ Hà Nội đã đề ra 9 nhóm giải pháp trọng tâm gắn với đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo điều hành, trong đó có nhóm giải pháp về thanh tra, kiểm tra. Điểm mới năm nay trong công tác thanh tra, kiểm tra chính là Sở Nội vụ thống nhất sẽ xây dựng một kế hoạch khung về nội dung thanh tra chuyên ngành, kiểm tra công vụ gắn với kiểm tra các lĩnh vực chuyên môn.Với cách làm này, theo Chánh Thanh tra Sở, sẽ hạn chế tối đa khó khăn cho đơn vị khi cùng một năm phải tiếp nhiều đoàn, thực hiện nhiều nội dung thanh tra, kiểm tra. Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ đi vào thực chất hơn, sẽ đồng hành tháo gỡ khó khăn cho đơn vị; từ những tồn tại, hạn chế chỉ ra sẽ có những giải pháp, biện pháp khắc phục để tốt hơn, thuận lợi hơn cho yêu cầu công việc, cho sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị và mỗi công chức, viên chức, người lao động.
"Năm 2024, cùng với các quy định pháp luật về kiểm tra công vụ thì tinh thần, nội dung Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy sẽ là tiền đề, căn cứ quan trọng để triển khai hiệu quả việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức ,doanh nghiệp. Trong quá trình đó, rất cần sự phối hợp, đồng hành của lãnh đạo, cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, địa phương của TP để góp phần đưa công tác thanh tra, kiểm tra công vụ của TP ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, góp phần tích cực trong công tác tham mưu giúp lãnh đạo TP, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chỉ đạo điều hành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu KT-XH năm 2024 đề ra"- Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Hà Nội Phan Vũ.