Hà Nội kiến nghị 5 giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Qua thực tế triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trên cơ sở khó khăn, vướng mắc ghi nhận được, lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị 5 giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sáng 24/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ và kết nối với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Đồng chủ trì hội nghị có các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, Lê Tiến Đạt.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Trọng Hưng.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ. Ảnh: V.Điệp/Thanhtra

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ. Ảnh: V.Điệp/Thanhtra

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn; Chánh Thanh tra TP Hà Nội Trần Đức Hoạt; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đỗ Tâm Diệu Quỳnh.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã tham luận chuyên đề “Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng”.

Địa phương đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Hà Nội đã chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ, kịp thời đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, góp phần tính cực nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả quan trọng với những chuyển biến đáng ghi nhận, nổi bật ở 7 điểm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã tham luận chuyên đề “Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng” tại hội nghị. Ảnh: Hồng Thái

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã tham luận chuyên đề “Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng” tại hội nghị. Ảnh: Hồng Thái

Cụ thể: về công tác lãnh đạo, chỉ đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025” với 15 chuyên đề; Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 và Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 14/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP; UBND TP đã ban hành Chỉ thị, kế hoạch, công điện về việc tăng cường thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng… Nổi bật trong đó, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí, đưa Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.

Cùng với đó, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, kiểm tra rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đã công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND TP đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần gồm 162 văn bản; thẩm định, ban hành mới 209 văn bản; ban hành mới 1.286 văn bản về hoàn thiện quy định trong định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực. Điểm nhấn đáng chú ý là Hà Nội đã tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô năm 2024, trong đó có nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù; tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP.

Hà Nội cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý điều hành như xây dựng và triển khai Đề án số 06/Chính phủ; ban hành Quyết định số 5390/QĐ-UBND ngày 15/10/2024 phê duyệt Đề án “Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP”; Xây dựng Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử TP và cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID; Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng; triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt. Qua đó tạo sự minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực để người dân có thể giám sát, phản ánh các hành vi vi phạm kịp thời tới các cơ quan quản lý.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái

Thu hồi, khắc phục 52,83 tỷ đồng và 2.990m2 đất tài sản tham nhũng

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2024, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm 215,516 tỷ đồng; tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với 230 tập thể và 574 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 10 cuộc. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 1.428 triệu đồng và 5.215 m2 đất; trả cho công dân 83 triệu đồng và 302m2 đất; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 156 tập thể và 284 cá nhân để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 21 vụ.

Cùng với đó, qua điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng, Công an TP Hà Nội đã thụ lý 227 vụ/627 bị can. Trong 5 năm, số tài sản tham nhũng đã thu hồi, khắc phục là 52,83 tỷ đồng và 2.990m2 đất.

Hàng năm, UBND TP đều ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch xác minh tài sản. Năm 2024 đã tổ chức Hội nghị bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập tại 24 cơ quan, đơn vị (115 người). Đặc biệt, Hà Nội tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như đất đai, tài chính, tài sản công.

Qua triển thực tế triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trên cơ sở 4 khó khăn, vướng mắc ghi nhận được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn kiến nghị 5 giải pháp.

Điểm cầu UBND TP Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái

Điểm cầu UBND TP Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái

Một là, tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách, các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện trong công tác xác minh tài sản tham nhũng.

Hai là, tiếp tục đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào giáo dục; Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Rà soát, hoàn thiện các quy định, quy chế, hương ước, quy ước về việc ứng xử, nếp sống văn minh của cán bộ, công chức nơi công cộng, nơi cộng đồng dân cư theo tinh thần phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ba là, tăng cường phổ biến quán triệt của cấp ủy Đảng về trách nhiệm của người kê khai tài sản tham nhũng ngay từ đầu. Thay đổi hình thức công khai các bản kê khai tài sản tham nhũng đảm bảo tăng cường tính minh bạch để nâng cao tính tự giám sát, phát hiện vi phạm trong đơn vị.

Bốn là, đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong các cơ quan.

Năm là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chú trọng theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra; khắc phục hậu quả xử lý sai phạm sau thanh tra, nhất là việc thu hồi tài sản, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-kien-nghi-5-giai-phap-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc.html