Hà Nội kiến nghị được xây tầng hầm cho trường học ở các quận nội thành
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương ứng cần xây mới từ 30-40 trường học.
Chiều 18/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu Trung ương tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, các điểm cầu địa phương đặt tại 63 tỉnh/thành phố.
Tại hội nghị, bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước. Năm học 2022-2023, toàn thành phố có 2.870 trường mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên với gần 2,2 triệu học sinh.
Theo bà Hà, TP. Hà Nội có nhiều các loại hình như trường nhiều cấp học, trường liên cấp, trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia với quy mô lớp học tương đối lớn.
Tuy nhiên, Nghị định 120 quy định số lượng cấp phó quản lý không quá 2 người, gây khó khăn trong công tác quản lý đối với những trường có quy mô đặc thù và quy mô lớn.
Do đó, bà Hà kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 120 cho phù hợp với các loại hình trường.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay, hiện nay, TP. Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh. Bình quân mỗi năm tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương ứng cần xây mới từ 30-40 trường học. Tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất.
Vì vậy, để đáp ứng chuẩn xây dựng trường học, lãnh đạo TP. Hà Nội đề nghị các cấp xem xét cho phép thành phố sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh. Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng. Đồng thời, cho phép Hà Nội xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.