Hà Nội kiên quyết không để 'tín dụng đen' lộng hành
Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra gần 70 vụ liên quan đến hoạt động 'tín dụng đen'. Cơ quan điều tra đã khởi tố 25 vụ, 88 bị can. Đáng chú ý, có đến hơn 40 vụ liên quan đến việc khủng bố con nợ bằng bom bẩn (chất bẩn, chất thải).
Liên tiếp triệt phá ổ nhóm “tín dụng đen”
Đêm 12/10/2021, qua công tác tuần tra kiểm soát, tổ công tác Công an quận Hà Đông đã phát hiện và bắt quả tang một nhóm đối tượng đang thực hiện hành vi xịt sơn vào cửa, gây áp lực nhằm đòi nợ gia đình chị N.T.N (trú ở phường Quang Trung, quận Hà Đông). Các đối tượng gồm: Nguyễn Trung Sơn, Văn Tuấn Châu, Nguyễn Trần Đức Quang và Nguyễn Phương Trung.
Nhóm đối tượng trên khai nhận làm thuê cho Vũ Văn Dũng (SN 1982, thường trú tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trước đó, chính Dũng đã chỉ đạo nhóm này đến nhà chị N.T.N để đòi nợ. Sau khi thu thập đủ chứng cứ, lực lượng chức năng đã tổ chức bắt giữ và khám xét khẩn cấp đối với Vũ Văn Dũng, thu giữ 8 sổ ghi chép khách vay nợ, 6 điện thoại di động cùng nhiều tài liệu khác...
Tại cơ quan Công an, Dũng khai nhận, từ cuối năm 2018 tổ chức kinh doanh tài chính dưới hình thức cho vay bốc “bát họ”, từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Căn cứ vào lời khai và sổ ghi chép thu giữ được ban đầu, Cơ quan CSĐT xác định, Dũng đã cho khoảng 300 khách vay tiền, với số tiền cho vay hàng chục tỷ đồng (người vay thấp nhất 5 triệu đồng, người cao nhất 50 triệu đồng).
Trước đó, tháng 5/2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cũng đã triệt phá ổ nhóm “tín dụng đen" chuyên hoạt động trên địa bàn huyện: Thanh Trì, Thường Tín (Hà Nội). Cầm đầu ổ nhóm này là Nguyễn Quốc Phong (sinh năm 1990, thường trú tại xã Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội). Nhóm “tay sai” cho Phong gồm: Nguyễn Hải Đăng, Đặng Đức Duy, Trần Đức Long Thành và Đào Quốc Anh.
Tháng 4/2020, Phong thuê nhà tại ngõ 207 Ngọc Hồi (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) để làm cửa hàng cho vay song không treo biển hiệu. Phong in tờ rơi nội dung “Alo là có tiền, giải ngân nhanh, cho vay tiền nhanh” kèm theo số điện thoại rồi mang dán ở khu vực công cộng trên các địa bàn huyện Thanh Trì, Thường Tín, Hoàng Mai. Phong giao nhiệm vụ hằng ngày cho Đăng, Duy, Thành thu tiền gốc và lãi của khách vay, xác minh nơi ở, nơi làm việc và gọi điện thoại yêu cầu khách hàng trả tiền. Nếu khách vay không trả, chậm trả, bỏ trốn thì nhóm đối tượng nhắn tin chửi bới, đe dọa và ném chất bẩn, chất thải vào nhà con nợ. Các đối tượng khai nhận đã thực hiện trên 20 vụ việc ném chất bẩn trên địa bàn các xã Tam Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi, Duyên Hà, Vĩnh Quỳnh của huyện Thanh Trì và xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội).
Nhóm của Nguyễn Quốc Phong chuyên dùng “bom bẩn” để đòi nợ
Kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh
Phát biểu tại buổi Tọa đàm khoa học Phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự là đơn vị chủ công được Ban Giám đốc Công an TP giao tổ chức hướng dẫn Đội Cảnh sát hình sự các quận, huyện, thị xã; đồng thời, trực tiếp đấu tranh với các đối tượng, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen”, kiên quyết không để các khu vực phức tạp, ổ nhóm hoạt động công khai, lộng hành về “tín dụng đen”. Từ năm 2019, Công an TP Hà Nội nâng cấp Kế hoạch 231 lên thành Chuyên đề 231 về “Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn thành phố”.
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 1.207 cơ sở cầm đồ và kinh doanh tài chính. Hầu như tất cả các cơ sở, cá nhân nêu trên đều cung cấp dịch vụ cho vay tài chính. Từ kết quả điều tra cơ bản trên, Phòng Cảnh sát hình sự và Công an các quận, huyện, thị xã đã kịp thời tổ chức phân công, phân cấp quản lý, tập trung vào các cơ sở kinh doanh, cá nhân, ổ nhóm có biểu hiện phức tạp, đã từng vi phạm hoặt đối tượng cầm đầu có nhiều tiền án, tiền sự. Tổng số cơ sở kinh doanh tài chính đã được đưa vào quản lý 757 cơ sở, chiếm 57,9%. Đối với các cơ sở không có giấy phép, các đối tượng hoạt động lén lút, lực lượng các đơn vị đã giao Công an cấp phường, xã trực tiếp lập danh sách điều tra cơ bản 57 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 240 cơ sở, cá nhân kinh doanh không có giấy phéo, qua đó đánh giá, phân loại, nắm tình hình…
Từ nay đến cuối năm 2021, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt, phối hợp chặt chẽ theo sự chỉ đạo của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, xác định rõ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình hiện nay. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, chủ động phát hiện, tố giác tội phạm cho cơ quan Công an để ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” theo quy định pháp luật.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác quản lý tội phạm trên không gian mạng, internet, mạng viễn thông, đặc biệt chú ý đến các loại tội phạm hoạt động “tín dụng đen" như quảng cáo cho vay tiền qua các app, số điện thoại, vay tiền không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, không cần gặp mặt trực tiếp, giải ngân nhanh vào tài khoản ngân hàng… triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xác định vị trí các đối tượng đặt máy chủ, máy tính, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội; triển khai công tác điều tra cơ bản, rà soát bổ sung thông tin, tài liệu về các ổ nhóm, cá nhân kinh doanh tài chính trên địa bàn quản lý, từ đó đề xuất các biện pháp hiệu quả trong công tác quản lý, phát hiện xử lý vi phạm, nhất là các cá nhân hoạt động “rải họ”, không có địa điểm cố định, không có giấy phép hoạt động do đối tượng “anh chị” đứng sau chỉ đạo hoạt động…
Cũng theo Thượng tá Đặng Việt Quảng, Ban Chỉ huy phòng, Công an các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo các đơn vị Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát Quản lý hành chính, Công an phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra đối với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính để phát hiện xử lý các vi phạm, không để các hoạt động này bùng phát, lộng hành; chủ động trong công tác nắm tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện những băng nhóm tội phạm hoạt động “tín dụng đen” mới manh nha hình thành để có đối sách, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ sát hợp để phòng ngừa, triệt phá hoặc làm tan rã băng nhóm. Tập trung các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá nhanh các vụ việc liên quan đến các băng nhóm, đối tượng hoạt động kinh doanh “tín dụng đen”… kiên quyết không để đối tượng ổ nhóm hoạt động công khai, lộng hành.