Hà Nội: Kỳ vọng bưởi Diễn OCOP, VietGAP sẽ về đích vào năm 2024
'Được mùa, được giá' nhưng kỳ vọng tạo thương hiệu bưởi Diễn OCOP, VietGAP của nông dân thủ phủ bưởi Diễn (quận Bắc Từ Liêm) sẽ về đích dự kiến vào năm 2024.
Sau thắng lớn ở mùa thu hoạch Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, phóng viên đã có bài viết “Kỳ vọng về bưởi OCOP, VietGAP của nông dân “thủ phủ” bưởi Diễn” đăng tải ngày 13-3-2023 trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử. Tuy nhiên, khi đã đến mùa vụ tiếp theo, kỳ vọng nâng tầm giá trị thương hiệu sẽ phải về đích vào năm tới thay vì năm 2023.
Được biết, UBND quận Bắc Từ Liêm hiện vẫn đang triển khai nhiệm vụ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý và đánh giá cấp Giấy chứng nhận VietGap cho sản phẩm bưởi Diễn của Hợp tác xã Văn Trì (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm).
Bước đệm vững chắc từ quy trình sản xuất VietGap, OCOP
“Manh mún, nhỏ lẻ bởi mỗi nhà chỉ có 1-2 sào, không có một quy trình chăm bón chung” là nguyên nhân được ông Nguyễn Ngọc Đức (phường Minh Khai) nhìn nhận khách quan khi bưởi làng Diễn (nay là quận Bắc Từ Liêm) chưa thể đạt OCOP, VietGAP vào năm 2023.
Theo ông Đức, nhiều hộ gia đình trồng bưởi Diễn có tuổi đời hàng chục năm nhưng cũng có hộ chỉ vài năm, đáng nói, bưởi Diễn phải được trồng lâu năm mới cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Dù đã được siêu thị vừa và nhỏ "ngỏ" bao tiêu đầu ra cho gia đình nhưng ông Đức vẫn chưa thể đồng ý, chỉ với 100 gốc bưởi cho gần 30.000 quả/năm cũng không đủ đáp ứng cho bên cung ứng.
Do đó, ông Đức đã tham gia Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp Văn Trì tại địa phương nhằm xây dựng mô hình cánh đồng lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật, quy trình nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ để sản xuất ra sản phẩm bưởi Diễn sạch, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ. Từ đó, HTX sẽ liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên, đúng theo tinh thần của “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai.
Ông Đức chia sẻ thêm, từ tháng 8-2023, vườn bưởi Diễn của gia đình ông đã không cần phải chăm bón thêm phân hữu cơ, đa số đều tưới nước để đảm bảo độ ẩm cần thiết cho cây. Sau khi có thông báo tạo vùng bưởi Diễn VietGAP, OCOP của HTX, ông đã nhanh chóng nhận sổ ghi chép các khâu chăm bón, hiện vườn bưởi của ông đã đạt tiêu chuẩn mẫu đất, chất lượng sản phẩm.
Còn tại trung tâm cây giống bưởi Diễn của ông Vũ Văn Hải ở phường Minh Khai, hằng năm sản lượng đều cho đạt 60.000 quả và 150 cây bưởi cảnh thế đẹp. Việc xây dựng thương hiệu bưởi Diễn OCOP, VietGAP cũng là định hướng phát triển nông nghiệp của ông trong suốt nhiều năm qua chưa thể thực hiện được.
Với mong muốn đó, suốt nhiều năm qua, vườn bưởi Diễn của ông Hải đã chuyển sang dùng phân hữu cơ vi sinh từ phân bò, phân dê ủ trước đó 1 năm thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sau thời gian thu hoạch sẽ tiến hành tỉa cành, phòng trừ nấm, sâu bệnh cho cây đến khi cây thụ phấn vào mùa tiếp theo.
Nhờ tuân thủ đúng quy trình chăm bón, bưởi Diễn của gia đình ông Hải cho quả đều, đẹp, chất lượng thơm ngon và số lượng tiêu thụ luôn được đảm bảo. Khi có chuỗi liên kết tiêu thụ thông qua tổ nhóm sản xuất như HTX sẽ gỡ bỏ nỗi lo được mùa mất giá. Năm ngoái, giá bưởi Diễn loại 1 tại vườn được ông Hải bán với giá 50.000 - 60.000 đồng, loại 2 dao động từ 30.000 - 40.000 đồng.
Nỗ lực mọi mặt để về đích vào năm 2024
Ông Ngô Văn Quyền, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Văn Trì cho biết, hiện nay, HTX đã và đang nỗ lực chuẩn bị về nguồn lực và nhân lực để giúp bưởi Diễn quận Bắc Từ Liêm đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP vào năm 2024. Giai đoạn này, HTX đã vượt qua các quá trình kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm nông nghiệp, kiểm tra thực địa vùng trồng bưởi Diễn như: Diện tích và điều kiện canh tác trong vùng trồng, sổ sách ghi chép (nhật ký canh tác) về các tác động lên vùng trồng, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong vùng sản xuất…
Đánh giá về lợi ích của nền “kinh tế hợp tác” tạo thương hiệu bưởi Diễn OCOP, VietGAP, ông Quyền chia sẻ, HTX Văn Trì đang hướng tới xây dựng chương trình OCOP có mục tiêu nhằm khai thác thế mạnh vùng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững. Do đó, HTX Văn Trì đang khắc phục mọi khó khăn, phát huy nội lực đem về nhiều lợi ích hơn cho các thành viên.
Theo tìm hiểu của phóng viên từ kết quả thống kê của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, tổng diện tích bưởi của Hà Nội năm 2022 là 7.500ha cho năng suất bình quân đạt 185 tạ/ha và doanh thu mang lại khoảng 1.998 tỷ đồng/năm. Hiện nay, trên toàn địa bàn Hà Nội có tới 12 giống bưởi các loại như: Bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương, bưởi Thồ, bưởi chua đầu tôm…cho thu hoạch từ tháng 8 năm trước đến tháng 1 năm sau.
Dù bưởi Diễn đã có thương hiệu vang xa nhưng lại chưa nằm trong danh mục tạo quản lý vùng trồng và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Toàn địa bàn Hà Nội có 14 vùng trồng được cấp mã, có 3 mã vùng trồng bưởi được hỗ trợ bằng hệ thống/ tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu với quy mô 36,32ha tại 3 điểm gồm: HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ): 1 mã vùng, quy mô 10ha (9 hộ); HTX Nông nghiệp xã Yên Sở (huyện Hoài Đức): 1 mã vùng, quy mô 13,04ha (224 hộ); HTX bưởi Quế Dương xã Cát Quế (huyện Hoài Đức): 1 mã vùng, quy mô 13,28ha (101 hộ).
Có thể thấy, những người nông dân tại thủ phủ bưởi Diễn ngày càng nhận thức rõ đạt chứng nhận VietGAP, OCOP sẽ là điều kiện để quảng bá thương hiệu nông sản, giúp bưởi làng Diễn có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.