Hà Nội lại tái ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Không khí Hà Nội lại tái ô nhiễm nghiêm trọng từ sáng nay 28/7 với chỉ số chất lượng không khí (AQI) phổ biến ở ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), một số điểm lên ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại).
Sau những ngày chất lượng không khí tương đối, thì từ đến sáng ngày 28/7, hơn 80 điểm đo chất lượng không khí của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air đều ở ngưỡng đỏ và tím.
Ghi nhận vào lúc 6h15 ngày 28/7, trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air uy tín (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý) cho ra chỉ số AQI ở mức 293, tức ngưỡng màu tím (ngưỡng rất xấu-rất có hại cho sức khỏe con người).
Trạm quan trắc Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) ghi nhận vào lúc 7h47 ngày 28/7, có chỉ số AQI ở mức 173 và đứng ở vị trí ô nhiễm nhất thế giới ở thời điểm đó, xếp trên cả Chile, Trung Quốc, Indonesia,...
Cùng với đó, các hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, của Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của Thủ đô.
Trong khi đó, ghi nhận các điểm đo tại khu vực miền Trung, TP Hồ Chí Minh thì chất lượng không khí tốt hơn, đều ở ngưỡng xanh và vàng - mức chất lượng tốt và trung bình.
Theo nhận định của các chuyên gia, điều kiện thời tiết không thuận lợi làm bụi không khuếch tán được mà đọng lại sát mặt đất khiến ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được đánh giá do nhiều nguyên nhân, gồm: Giao thông, xây dựng, sản xuất và các hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rác. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các chất ô nhiễm khuếch tán lên cao giúp chất lượng không khí được cải thiện. Khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, các chất ô nhiễm sẽ đọng lại và gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là mùa đông, khi hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những ngày có chất lượng không khí từ ngưỡng xấu trở lên, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục, làm việc ngoài trời. Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang, về nhà nên rửa mặt, mắt, mũi bằng nước muối sinh lý.
Người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Nhóm nhạy cảm gồm người mắc bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn.