Những ngày này, làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) bắt đầu nhộn nhịp người qua lại, tiếng búa, tiếng xe chở hàng chạy khắp nẻo đường sau gần 2 tháng tạm dừng sản xuất.
Người dân làng Kiêu Kỵ phấn khởi vì sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội và gần 5 tháng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần thứ tư, hiện nay, nhịp sống đang dần được hồi sinh. "Lâu lắm rồi tôi mới lại nghe được những tiếng búa vang cả một góc trời như này. Một cảm giác thân quen mang lại cho nhiều người dân trong làng sự phấn khởi", nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp hào hứng chia sẻ.
Hiện nay, làng nghề Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) có gần 50 gia đình kinh doanh vàng quỳ. Khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người lao động tại các cơ sở này thực hiện “3 tại chỗ”, còn các hộ sản xuất trong phạm vi khuôn viên nhà riêng. Vì vậy, khi được tái sản xuất trở lại như trước, không khí làng nghề khẩn trương, sôi động hơn. Nhiều đơn hàng xuất khẩu đang tất bận hoàn thành để đưa hàng lên đường.
Trả lời PV VTC News, anh Nguyễn Văn Hiệp cho biết: "Xưởng nhà tôi tạm nghỉ từ cuối tháng 7 đến nay để thực hiện cao điểm phòng, chống dịch khi thành phố yêu cầu giãn cách xã hội. Trong thời điểm ấy việc nhận các đơn hàng hay nhập các nguyên vật liệu về để gia công là điều rất khó khăn vì không có xe vận chuyển. Trong thời gian dài, gia đình quyết định cắt giảm nhân công, chỉ làm việc cầm chừng chờ ngày hết giãn cách xã hội".
Hiện nay, cơ sở sản xuất của gia đình anh Hiệp huy động được 80% nhân công trở lại xưởng để đáp ứng các đơn hàng. Chị Huyền ( 31 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: "Sau hơn 2 tháng phải tạm nghỉ để thực hiện Chỉ thị 16, giờ tôi đi làm trở lại. Khi Hà Nội giãn cách xã hội, người lao động tự do như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì không có thu nhâp. Trong khi đó, các khoản sinh hoạt phí vẫn phải chi trả hàng tháng. Giờ xưởng được hoạt động trở lại, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ tốt dần lên để mọi thứ sớm trở lại bình thường".
Để đảm bảo độ chính xác cao, người dân làng Kiêu Kỵ thường sử dụng một chiếc cân nhỏ để cân trọng lượng của vàng.
Tùy thuộc vào nhân công, đơn hàng, mỗi xưởng có quy mô lớn tại làng nghề Kiêu Kỵ trở lại hoạt động với mức độ khác nhau nhưng tiến độ cũng đạt khoảng 40-50% công suất.
Người thợ phải dùng một loại kéo chuyên dụng, cắt vàng thành từng miếng nhỏ.
Người lao động đang thực hiện các công đoạn “cắt dòng” và “sang vàng” tại gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hiệp. Đây là công đoạn phải làm trong phòng kín, không được dùng quạt vì vàng sau khi quỳ rất mỏng, chỉ cần gió nhẹ cũng có thể làm bay những lá vàng.
Người lao động tỉ mỉ thực hiện các công đoạn dát vàng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn ra rất phức tạp, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong làng nghề như gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp duy trì hoạt động theo hướng cầm chừng để theo dõi nhu cầu của người mua.
Sản phẩm “quỳ vàng” của các nghệ nhân chỉ có ở làng nghề Kiêu Kỵ.
Đắc Huy