Hà Nội lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cho người dân

Hồ sơ cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe của người dân khi có yêu cầu. Mỗi người có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý, qua mã định danh (ID) và các thông tin khác như điện thoại, số chứng minh nhân dân.

Ngày 1/3, tại 2 phường Phúc Đồng và Cổ Bi (quận Long Biên), thành phố Hà Nội đã chính thức triển khai thí điểm việc khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân.

Phát biểu tại phường Phúc Đồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn, khám định kỳ, phát hiện sớm bệnh, đặc biệt sổ sức khỏe điện tử là giải pháp lâu dài giảm chi phí y tế cho mỗi người và toàn xã hội.

Triển khai thí điểm khám sức khỏe và lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân phường Phúc Đồng, quận Long Biên. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Hồ sơ quản lý sức khỏe sẽ cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe của người dân khi có yêu cầu và theo quy định. Mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số chứng minh nhân dân.

Việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, có đầy đủ các yếu tố liên quan đến sức khỏe, tiền sử bệnh tật, các kết quả xét nghiệm, chỉ định điều trị trước đây,… và được kết nối tới các đơn vị y tế tạo điều kiện cho người dân khi đến cơ sở y tế giảm được phiền hà, các y, bác sỹ sẽ nắm được thông tin chỉ số sức khỏe cơ bản, tiền sử bệnh tật, từ đó hướng dẫn, tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt, phù hợp nhất đối với từng người dân.

Đối với quản lý cộng đồng, số liệu thống kê sức khỏe dân cư giúp cho ngành y tế xác định được mô hình bệnh tật theo vùng, theo khu vực, từ đó có những định hướng, xây dựng kế hoạch đáp ứng, triển khai hoạt động y tế hiệu quả, phòng chống dịch, bệnh, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân từng vùng, từng khu vực.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị Sở Y tế huy động nhân lực, trang thiết bị, bảo đảm cơ sở vật chất các đoàn khám, đảm bảo chất lượng khám sức khỏe cho người dân; tổ chức hướng dẫn, tư vấn, điều trị cho người bệnh kịp thời; xây dựng quy trình chuẩn về kê khai, khám, cập nhập dữ liệu,… bố trí cán bộ hướng dẫn, bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân tham gia.

Các sở, ngành, đơn vị cần chủ động tham gia khám, cung cấp số liệu, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc lập hồ sơ, khám và quản lý sức khỏe để 100% người dân thủ đô tham gia thực hiện.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, với khối lượng công việc nhiều, đối tượng quản lý đa dạng từ bà mẹ có thai, trẻ sơ sinh, trẻ mẫu giáo, trường mầm non, tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, sinh viên…, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân sẽ gặp khó khăn, đòi hỏi phải triển khai bằng nhiều hình thức. Để đạt được mục tiêu, cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân.

Nhiều người dân có mặt tại buổi khám cho rằng đây là hoạt động có ý nghĩa, giúp người dân được theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn sức khỏe và điều trị hoặc được tư vấn điều trị phù hợp khi có bệnh.

Tuyết Mai (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/ha-noi-bat-dau-lap-ho-so-quan-ly-suc-khoe-cho-nguoi-dan-20170301133819833.htm